Tâm thần học ở trẻ em


1. Khái niệm.
Nhiều trạng thái rối loạn tâm thần đã được hình thành và phát triển ở trẻ nhỏ và tuổi vị thành niên. Những trạng thái này liên quan mật thiết với sự hình thành bộ não và thể chất đứa trẻ cũng như các hoàn cảch sống trong gia đình từ bé. Cũng rất nhiều rối loạn đặc biệt là các phản ứng về mặt cảm xúc, hành vi của bệnh nhi có liên quan tới các sự kiện xảy ra như: đi học, thay đổi trường lớp, thầy cô, bị trêu ghẹo, bị hù dọa, ngược đãi căng thẳng trong kì thi hoặc hoàn cảnh gia đình bị xáo trộn (cha ,mẹ ốm đau, li dị …).
Tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần ở trẻ em không có tài liệu nào nêu số liệu cụ thể, mà tuỳ theo từng hoàn cảnh, môi trường, kinh tế xã hội của mỗi nước và tuỳ quan điểm, phương pháp đánh giá.
2. Những rối loạn tâm thần ở trẻ em trước 6 tuổi.
Sự phát triển cơ thể, ngôn ngữ, vận động và tính cách của trẻ ở lứa tuổi này diễn ra nhanh chóng . Khi được 8 tuần bé đã có thể thể hiện nụ cười trên môi và ánh mắt, vào khoảng 6 tháng tuổi bé có thể đáp ứng những cử chỉ tình cảm âu yếm của mẹ và các thành viên khác trong nhà. Lúc này em bé cũng có thể đã cảm thấy  buồn khi bị đói, ốm đau hay bị tách rời mẹ.
Từ nhỏ, trẻ đã thể hiện sự khác biệt về tính cách. Một số em có tính cách bình thường trong thói quen còn gọi là “dễ tính”, một số lại thể hiện cá tính kém ăn, mất ngủ, hay khóc, khó nuôi “khó tính”.
Những rối loạn trong 5 năm đầu thường thể hiện qua sự quan hệ với người chăm sóc, rối loạn sự phát triển. Ví dụ: sự không phù hợp về tính cách của đứa trẻ với người chăm sóc có thể tạo nên tương tác xấu, luẩn quẩn, do vậy làm tăng sự căng thẳng của mối quan hệ.
Các đứa trẻ chậm phát triển tâm thần (CPTTT) thường có biểu hiện sớm như ít vận động, kém phát triển ngôn ngữ, không phân biệt được lúc được bế lúc không được bế, không có các đáp ứng tình cảm.
2.1. Tự kỉ:
Trẻ bị rối loạn tự kỉ thường hay biểu hiện bất thường trong mối quan hệ xã hội (không có giao lưu tình cảm), khó khăn trong giao tiếp (bằng ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ); thu hẹp các hoạt động và sở thích.
Vấn đề này nhận thấy ở trẻ dưới 3 tuổi. Đứa trẻ này không đáp ứng làm cha mẹ tưởng bị điếc.
Tự kỉ là rối loạn ít gặp, 1/1000, nam gấp 3 lần nữ.
Rối loạn này có thể do các ảnh hưởng tâm lý từ cha mẹ, do di truyền (gãy gen X) viêm não siêu vi, rối loạn miễn dịch.
2/3 số trẻ tự kỉ vượt qua được và có cuộc sống độc lập khi trưởng thành. 1/3 sống bán độc lập.
2.2. Chậm phát triển tâm thần:
CPTTT bao gồm những tổn thương sâu sắc về mặt trí tuệ (chỉ số trí tuệ IQ dưới 70). CPTTT được phân loại theo mức độ: nhẹ, vừa, nặng, trầm trọng.
+ CPTTT nhẹ (IQ từ 50 – 69):
- Trẻ vẫn có khả năng ngôn ngữ để giao tiếp hàng ngày. Chỉ có tư duy cụ thể, khó khăn nắm bắt các vấn đề lý thuyết trừu tượng. Còn khả năng tự chăm sóc bản thân, làm các công việc đơn giản, máy móc.
- Khó thích nghi với hoàn cảnh sống. Trẻ nam dễ bị dụ dỗ, xúi giục, trẻ nữ dễ bị lạm dụng tình dục.
+ CPTTT vừa (IQ từ 35 – 49):
Hoạt động nhận thức: ngôn  ngữ ít ỏi, nghèo nàn, chỉ vài ba từ, không hiểu khi tiếp xúc; có thể đọc, đếm ít ỏi. Về vận động – hành vi: tự chăm sóc hạn chế. Nhiều đối tượng phải cần sự chăm sóc từ bên ngoài. Có thể làm các công việc đơn giản với sự giám sát chỉ vẽ kỹ.
+ CPTTT nặng (IQ từ 20 – 34):
Các hoạt động rất nghèo nàn, thụ động; thường có các thiếu sót, dị tật về thần kinh, cơ thể đi kèm.
+ CPTTT trầm trọng (IQ < 20):
- Không biểu lộ gì về nhận thức và tình cảm; sống tại chỗ, nhiều dị tật; ngôn ngữ không có, khả năng giao tiếp chỉ khu trú vào việc ăn, uống. Mọi việc hoàn toàn phụ thuộc vào người khác, được chăm sóc tốt thì mới tồn tại.
- Tỷ lệ trẻ CPTTT khoảng 1 – 2% dân số; đại đa số ở thể nhẹ.
- Nguyên nhân: rất nhiều loại.
. Từ bà mẹ khi mang thai không được chăm sóc đầy đủ.
. Bị thương, bị nhiễm trùng, bị nhiễm độc từ bé là những nguyên nhân chủ yếu.
. Khoảng 5 – 10% là do gen di truyền (gãy gen X, bệnh Down, bị ảnh hưởng  của chất độc dioxin).
Những tác động môi trường như suy dinh dưỡng, thiếu thốn tình cảm hoặc giao tiếp xã hội, trẻ mồ côi nghèo khổ cũng có thể gây ra CPTTT.
2.3. Những rối loạn bài tiết:
2.3.1. Đái dầm:
Trẻ em không có những rối loạn thực thể đường tiết niệu hay ĐK mà đái dầm ban đêm hoặc đái ra quần ban ngày ít nhất hai lần trong một tuần. Sau khi đã được hơn 5 tuổi thì được chẩn đoán là rối loạn chức năng đường tiết niệu – đái dầm. Hiếm khi rối loạn này còn tồn tại, đến tuổi trưởng thành.
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (imipramin) dùng riêng biệt hoặc desmopressin (hormon làm tăng trương lực cơ) có kết quả như nhau trong điều trị ngắn ngày.
Việc tái phát triệu chứng này thường gắn với căng thẳng tâm lý, khó khăn tình cảm hoặc ngủ nơi lạ.
2.3.2. Rối loạn đại tiện:
+ Trẻ đại tiện nhiều lần ra quần không phải vì lý do thực tổn (ỉa chảy). Hiện tượng này thường do không muốn đi đại tiện, lo lắng thái quá, bị xử phạt.
+ Điều trị tập trung vào giúp trẻ đi đại tiện đều, đúng giờ.
+ Những rối loạn đi kèm theo như lo âu, trầm cảm, tránh né xã hội … cần được quan tâm điều trị.
3. Những rối loạn ở trẻ lứa tuổi tiểu học (dưới 12 tuổi).
+ Đến tuổi này trẻ thường tách ra khỏi bố mẹ để đến trường đi học. Trong thời kỳ tiểu học trẻ em phát triển về hình dáng, sức khoẻ, sự nhanh nhẹn, những lỹ năng giao tiếp xã hội và nhận thức. Vào giai đoạn cuối, sắp bước sang tuổi vị thành niên có thể bắt đầu suy nghĩ những vấn đề quan trọng (tập làm người lớn).
Những rối loạn học tập thường gặp trong lứa tuổi này là: kém phát triển khả năng tính toán; nói ngọng, nói nắp, phát âm kém; kỹ năng viết kém.
Những em này thường có IQ trung bình; những kỹ năng từng môn yếu, kết quả học tập thường thấp hơn trẻ cùng lứa (trung bình là 2 năm).
+ Các nguyên nhân: có thể do di truyền, thiếu sự chăm sóc, thiếu động cơ học tập, lo âu sợ hãi, trầm cảm.
+ Các liệu pháp điều trị: ngôn ngữ (dạy phát âm), luyện kỹ năng, thay đổi cách dạy … (các biện pháp giáo dục).
3.1. Rối loạn hành vi nổi loạn:
Chủ yếu gặp ở trẻ trai, ở những những em gặp khó khăn khi phải chịu đựng trách nhiệm về những hậu quả hành động do chúng gây ra thì chúng lại ứng xử không chấp nhận, tạo nên sự nổi loạn gây lo buồn cho người khác. Hầu hết các em nhận ra sai lầm sau khi được chỉ bảo, bị đánh, bị phạt; nhưng có xu hướng tái phát chai lì.
3.2. Rối loạn tặng động giảm chú ý:
Trẻ bị rối loạn tăng động/giảm chú ý thường hay bị đãng trí và không thể hướng dẫn làm việc gì. Chúng thường hay phá phách và không yên, bồn chồn chạy nhảy thái quá. Người ta dự tính có tới 4% trẻ tiểu học bị chứng này. Bé trai mắc gấp 3 lần bé gái.
Tăng động/giảm chú ý có thể do rối loạn trong sự phát triển của hệ thần kinh do nhiều nguyên nhân kể cả yếu tố di truyền. Giải pháp là một phác đồ điều trị hỗn hợp, nhưng chủ yếu là làm việc có hiệu quả với cha mẹ chúng. Tư vấn thay đổi cách dạy dỗ chăm sóc, tăng cường kỷ luật, nghiêm túc và khen thưởng mỗi khi trẻ làm đúng.
Các thuốc kích thích tâm thần như methylphenidate hay dexamphetamin đóng vai trò chủ chốt trong sự khôi phục tập trung, tăng dẫn truyền thần kinh. Điều trị thuốc này nên thực hiện ngắn ngày. Thuốc này gây kém ăn, kém ngủ và lạm dụng chất.
Các thuốc tăng bổ trợ thần kinh như pho – L, bramin cũng có tác dụng tốt.
3.3. Rối loạn tâm thần thể chống đối:
Những đứa trẻ này có tính khí thất thường, hoang dã, không vâng lời, hay cãi nhau với người lớn làm phiền lòng mọi người. Chúng thường được xem như những đứa trẻ hư đốn, mất tính cách, vô kỷ luật. Trẻ có thể cũng có thể đáp ứng đối với sự quản lý chặt chẽ của gia đình, thầy cô giáo hoặc bắt chước cách sống cẩu thả, vô tổ chức của bố mẹ hay của người thân.
Những trẻ vị thành niên bị trầm cảm cũng có thể biểu lộ như vậy. Vì vậy giáo dục kỹ năng làm cha mẹ và liệu pháp gia đình là cách điều trị hữu hiệu. Cần thiết điều trị rối loạn trầm cảm đi kèm.
3.4. Rối loạn ứng xử:
Rối loạn ứng xử bao gồm các hành vi: chọc ghẹo người khác, gây gổ, đánh nhau, thô bạo với người khác hoặc xúc vật, đồ dùng; ăn cắp, trấn lột; phá phách; đột nhập vào nhà người khác; bỏ nhà đi bụi …
Có mối liên hệ rõ ràng giữa rối loạn ứng xử với đạo đức và lối sống của bố mẹ.
Việc tư vấn cá nhân rất quan trọng nhưng gặp nhiều khó khăn và phải kết hợp với liệu pháp gia đình.
3.5. Rối loạn lo âu:
Tình huống đưa trẻ đến tình trạng lo âu là do tách mẹ, phải đến trường, chuyển lớp, chuyển trường, mất mát người thân …
3.6. Rối loạn dạng cơ thể:
Các triệu chứng bao gồm  các rối loạn chức năng mà không tìm thấy một bằng chứng thực tổn nào. Chủ yếu là đau bụng, đau đầu, đau cơ thể, mệt mỏi.
Cha mẹ thường đóng vai trò khuếch trương các triệu chứng này.
Hầu hết trẻ em ít nhất cũng có một lần giả ốm để nghỉ học, để được chăm sóc nhưng hiếm khi trở thành rối loạn nặng.
Nếu nặng và tái diễn nhiều lần thì phải đi khám chuyên khoa tư vấn điều trị.
Các chiến lược điều trị bao gồm: giáo dục, huấn luyện thư giãn, liệu pháp hành vi nhận thức và vật lý trị liệu, có thể điều trị bằng thuốc chống rối loạn lo âu, trầm cảm.
4. Rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên (13 – 18 tuổi).
Dậy thì đánh dấu khởi đầu của giai đoạn vị thành niên, một giai đoạn chịu đựng những biến đổi sâu sắc trong các mối quan hệ xã hội và giới tính. Tuổi dậy thì ở bé gái thường sớm hơn (10 – 14 tuổi), trẻ nam muộn hơn (12 – 18 tuổi).
Các thay đổi về vai trò, tính cách, quan hệ gia đình và xã hội của các em phản ảnh sự trưởng thành của chúng. Hầu hết trẻ vị thành niên vượt qua giai đoạn này mà không có biến động hay rối loạn gì lớn. Tuy nhiên cũng có em rơi vào khủng hoảng. Những thay đổi hormon giới tính, hoạt động tình dục hoặc bị lạm dụng tình dục có vai trò tạo nên sự khủng hoảng.
4.1. Lạm dụng chất kích thích:
Sử dụng ma tuý là nguy cơ nổi bật ở lứa tuổi này. Đặc biệt ở trẻ lang thang bụi đời, gia đình tan vỡ, bị đuổi học, bị bỏ học, vô gia cư.
4.2. Trầm cảm:
Thay vì buồn bã thì trẻ em vị thành niên trầm cảm thường biểu hiện lập dị, hay cáu bẳn và dễ kích động. Những biểu hiện như ăn ngủ nhiều cũng xảy ra phổ biến trái ngược với trầm cảm ở người lớn là ngủ ít, ăn không ngon miệng và giảm cân.
Điều trị bằng thuốc chống trầm cảm hiệu quả thấp hơn người lớn.
Nguy cơ trẻ bị trầm cảm có ý định tự sát là rất cao.
4.3. Hành vi tự sát:
Đã trở thành nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở tuổi vị thành niên ở nhiều nước trên thế giới, nên cần phải cảnh giác với vấn đề này.
Những tình huống gợi ý nguy cơ tự sát, có bạn bè tự sát, thất vọng, bị cha mẹ, thầy cô la mắng, mất thể diện, có rối loạn tâm thần, lạm dụng chất, bị lạm dụng tình dục …
Cần có biện pháp và chương trình phòng chống thích hợp như nâng cao hiểu biết của cộng đồng, cải thiện cuộc sống, môi trường gia đình, trường học cởi mở thân thiện …
4.4. Một số rối loạn loạn thần khác:
Các rối loạn loạn thần như: rối loạn cảm xúc, TTPL … cũng thường khởi phát ở cuối giai đoạn vị thành niên. Cần được lưu ý phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hiệu quả cũng có tác dụng khỏi bệnh, ngăn ngừa sa sút.


Liên hệ trị liệu các rối loạn tâm thần ở trẻ em
ThS.Bs Đinh Hữu Uân 0913511475