Rối Loạn Dạng Cơ Thể |
1. Đại cương về rối loạn dạng cơ thể (hay rối loạn cơ thể hoá).
Hiện nay trên thế giới có khái niệm “rối loạn dạng cơ thể hay rối loạn cơ thể hoá” (somatoform disorder) mới được chấp nhận rộng rãi thay thế cho các khái niệm như rối loạn cơ thể hoá, tâm căn nghi bệnh, các rối loạn chức năng sinh lý có nguồn gốc tâm căn. Thực chất các rối loạn này là rối loạn tâm thần đa dạng biểu hiện chủ yếu bằng các triệu chứng cơ thể.
Các triệu chứng cơ thể này không có cơ sở thực tổn và bệnh nhân lại chẳng khi nào thừa nhận các nguyên nhân tâm lí của các bệnh nhân đó. Bệnh nhân rối loạn dạng cơ thể thường xuyên yêu cầu được khám bệnh, phải làm hầu như tất cả các xét nghiệm khác nhau để tìm bằng được các tổn thương thực thể. Khi có một nghi ngờ nào đó thì được ám thị ngay, khá mãnh liệt đối với người bệnh.
Rối loạn dạng cơ thể thường bắt đầu ở những người trẻ tuổi và người trưởng thành. Các triệu chứng khởi đầu có liên quan chặt chẽ với các stress tâm lý trong đời sống xã hội và trong sinh hoạt hàng ngày. Rối loạn này là một hội chứng ổn định, đơn độc và thường gặp ở nữ giới nhiều hơn. Tiên lượng và điều trị các rối loạn dạng cơ thể gặp rất nhiều khó khăn, thường hay nhầm lẫn với các rối loạn phân li và rối loạn nghi bệnh.
2. Các thể lâm sàng của rối loạn dạng cơ thể.
2.1. Rối loạn dạng cơ thể không biệt định
Chẩn đoán rối loạn dạng cơ thể không biệt định là có một hay nhiều cơn rối loạn cơ thể, bền vững từ 6 tháng trở lên.
Rối loạn hay gặp nhất là mệt mỏi mãn tính, mất cảm giác ngon miệng, hoặc triệu chứng dạ dày- ruột, tiết niệu, sinh dục. Các triệu chứng này không giải thích được bằng bệnh thực tổn hoặc lạm dụng một chất.
Các triệu chứng làm ảnh hưởng rõ rệt đến các chức năng hoạt động nghề nghiệp và xã hội hoặc các chức năng quan trọng khác.
Chẩn đoán không được đặt ra nếu các triệu chứng là một bệnh tâm thần khác như: rối loạn dạng cơ thể khác, rối loạn tình dục, rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ.
2.2. Đau tâm căn
Chẩn đoán đau tâm căn là đau chiếm ưu thế nổi bật trong các triệu chứng lâm sàng và đủ mạnh để gây ra sự chú ý cho những người xung quanh. Đau là nguyên nhân ảnh hưởng rõ rệt đến các lĩnh vực xã hội, nghề nghiệp hoặc các chức năng quan trọng khác. Các yếu tố tâm lí đóng vai trò quan trọng trong khởi phát bệnh, tái phát bệnh và cường độ cơn đau và đau không phải là giả vờ. Đau tâm căn không chẩn đoán nếu là hậu quả của rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu hoặc rối loạn tâm thần khác.
3.3. Các rối loạn nghi bệnh
Nghi bệnh là bệnh nhân bận tâm quá mức với ý nghĩ cho rằng mình bị một bệnh nặng trên cơ sở giải thích sai lầm một hoặc nhiều cảm giác hoặc triệu chứng. Khám xét cẩn thận vẫn không xác định được một bệnh thực tổn nào có thể giải thích được các dấu hiệu và triệu chứng cơ thể của bệnh nhân. Bệnh nhân có ý nghĩ rằng bệnh cơ thể ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Tuy nhiên niềm tin đó chưa đủ mạnh để trở thành hoang tưởng. Niềm tin của bệnh nhân không bị giới hạn như trong rối loạn sơ đồ cơ thể. Sự bận tâm quá mức về bệnh tật là nguyên nhân ảnh hưởng đến chức năng hoạt động nghề nghiệp và xã hội hoặc các chức năng quan trọng khác. Bệnh thường kéo dài ít nhất 6 tháng và sự bận tâm quá mức đó không phải là rối loạn lo âu lan toả, rối loạn ám ảnh, cưỡng bức, hoảng sợ, rối loạn trầm cảm hoặc rối loạn dạng cơ thể khác. Nhận thức về bệnh bị giảm sút chỉ áp dụng khi trong khoảng thời gian dài bệnh nhân không thừa nhận là bệnh của mình.
2.4. Rối loạn chức năng thần kinh thực vật dạng cơ thể
Người bệnh thuờng trình bày các triệu chứng của bệnh như thể các triệu chứng này do chính rối loạn thực thể của mỗi cơ quan, một hệ thống nào đó dưới sự kiểm soát của hệ thần kinh thực vật như các rối loạn tim mạch, rối loạn chức năng dạ dày- ruột, hô hấp, tiết niệu, sinh dục.
Các triệu chứng thường biểu hiện bằng trạng thái cường giao cảm như hồi hộp, đánh trống ngực, ra mồ hôi, run chân tay, cơn đỏ mặt. Mặt khác còn gặp các triệu chứng chủ quan không đặc hiệu như: cảm giác đau thoáng qua, cảm giác bỏng buốt, nóng rát, nặng nề, gò bó, sưng phù tay căng da. Trong thực tế lâm sàng khó phân biệt biểu hiện của nhóm triệu chứng nào là chính mà chỉ thấy sự kết hợp giữa 2 nhóm triệu chứng trên, tạo thành bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng và phức tạp.
3. Điều trị và dự phòng.
+ Các rối loạn dạng cơ thể có nguyên nhân tâm lí và cơ thể gắn bó với nhau, bệnh cảnh lâm sàng rất phức tạp nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
+ Mỗi trường hợp cụ thể phải khám xét tỉ mỉ và có kế hoặch điều trị riêng biêt, phù hợp với các giai đoạn của bệnh.
+ Liệu pháp tâm lý được xem như là liệu pháp điều trị chủ đạo. Cần sử dụng các liệu pháp tâm lí thích hợp với từng nhóm bệnh, từng người bệnh cụ thể để thu được kết quả điều trị tốt nhất.
+ Song song với liệu pháp tâm lý là duy trì điều trị các triệu chứng cơ thể thật tích cực. Nhiều trường hợp, việc điều trị các triệu chứng cơ thể sẽ là cơ sở vững chắc cho việc áp dụng các liệu pháp tâm lý. Có tác giả gọi đó là “liệu pháp tam lý có vũ trang”.
+ Việc điều trị các triệu chứng cơ thể phải kết hợp chặt chẽ với các chuyên khoa khác nhau tránh bỏ sót và có chỉ định điều trị hợp lý.
+ Những trường hợp có diễn biến nặng, phức tạp cần phải được điều trị nội trú ở các bệnh viện chuyên khoa và luôn luôn chú ý dự phòng các biến chứng bất thường sảy ra.
+ Cần rèn luyện về sức chịu đựng các stress tâm lý trong cuộc sống, sinh hoạt, làm việc, và học tập, sẵn sàng thích ứng với các điều kiện không thuận lợi.
+ Trong một số trường hợp đặc biệt khi có các triệu chứng rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu phối hợp với thuốc điều chỉnh khí sắc. Hiệu quả của thuốc thường xuất hiện chậm, sau 4 – 8 tuần và cần phải duy trì lâu dài trong nhiều năm thậm chí là suốt đời.
Ảnh minh họa- bệnh nhân đi khám rất nhiều chuyên khoa nhưng không phát hiện được bệnh gì
ThS.Bs Đinh Hữu Uân- Thành Viên Hiệp hội tâm thần Mỹ- APA