RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý- ADHD
1. Đặc điểm chung
Đặc điểm nổi bật của tăng động – giảm chú ý:
- Chú ý nghèo nàn,
- Hành vi tăng động- xung động
Hầu hết những trẻ có rối loạn này đều có thêm một loạt vấn đề khác nữa. Tiêu chuẩn cho mỗi chẩn đoán là có ít nhất 6 hành vi trong bảng 13.1 trong khoảng thời gian ít nhất 6 tháng.
Để đưa ra chẩn đoán, vấn đề hành vi của trẻ phải xuất hiện trước 7 tuổi, có cả ở trường học cũng như ở nhà và tổn thiệt đáng kể về mặt chức năng. Nhiều trẻ có ADHD rất khó xác lập được quan hệ bạn bè với trẻ đồng đẳng. Chúng không nhận ra rằng những hành vi của chúng đã quấy rầy người khác và chúng cũng có thể có những hành vi phi xã hội. Chúng chỉ có thể hiểu điều đó khi được giảng giải song vẫn mắc sai lầm khi chuyển sự hiểu biết vào đời sống thực (Whalen et al. 1985). Khoảng 25% số trẻ ADHD có khó học ở mức độ nhất định và rất nhiều trẻ trong số đó được đưa vào những trường đặc biệt do có những hành vi phá phách.
Ước tính ở Mĩ có khoảng 3- 5% trẻ có ADHD (APA 1994). Một số vấn đề (chứ không phải là tất cả) sẽ dịu đi khi cá nhân trưởng thành. Khoảng 40% số trẻ được chẩn đoán ADHD thì những vấn đề tiếp tục kéo dài sang tuổi thanh thiếu niên và khoảng 10% số trường hợp vẫn còn một vài triệu chứng với các mức độ khác nhau ở tuổi trưởng thành (Mannuzza & Klein 2000).
Khoảng 1-6% số người trưởng thành đáp ứng với những tiêu chuẩn chẩn đoán ADHD (Murphy & Barkley 1996). Tuy nhiên hầu hết trong số họ đã thích ứng với các triệu chứng của mình và vẫn làm việc được.
2. Một số vấn đề liên quan đến chẩn đoán tăng động/giảm chú ý
Rất nhiều trẻ em có một số đặc điểm của ADHD. Ranh giới không rõ ràng giữa hành vi “bình thường” và “bệnh lí” và tiềm ẩn sự lạm dụng chẩn đoán ADHD để bắt những đứa trẻ quậy phá phải điều trị dẫn đến lí do đặt ra câu hỏi rằng liệu ADHD có phải là một rối loạn độc lập hay những hành vi như vậy chỉ
Bảng 13.1 Những đặc điểm cơ bản của các tiêu chuẩn chẩn đoán ADHD
Kém chú ý | Tăng động – xung động |
Không tập trung được chú ý vào các chi tiết hoặc mắc lỗi cẩu thả trong các bài học, công việc hoặc các hoạt động khác | Ngồi vặn vẹo, bồn chồn |
Không tập trung được chú ý vào bài tập cũng như trò chơi | Hay rời khỏi chỗ ngồi khi không được phép |
Không thể chú ý nghe | Không thể chơi cũng giải trí một cách yên lặng |
Không thể làm được theo hướng dẫn hoặc hoàn thành bài tập hoặc một việc nào đó (không phải là hành vi chống đối hoặc không hiểu) | Chạy nhảy, leo trèo liên tục; ở tuổi thanh, thiếu niên hoặc tuổi trưởng thành thì có thể chỉ còn cảm giác chủ quan về sự không nghỉ ngơi |
Có rắc rối khi phải tổ chức hoạt động hoặc nhiệm vụ | Đi liên tục |
Không thích hoặc né tránh những công việc cần nỗ lực tinh thần | Nói quá nhiều |
Đánh mất vật dụng cho các hoạt động:sách vở, bút, dụng cụ học tập… | Trả lời ngay khi vừa mới nghe câu hỏi |
Dễ chú ý đến kích thích bên ngoài | Có rắc rối khi phải chờ đợi |
Hay quên | Hay làm gián đoạn, can thiệp vào công việc của người khác |
là điểm xa của dải phân bố những hành vi bình thường. Do vậy nên xem xét trạng thái này như là những hành vi tăng đậm chứ không nên xem xét nó là một đơn vị (rối loạn) độc lập.
Các nhà lâm sàng cũng lưu ý rằng trẻ có thể có những vấn đề đáng kể nào đó trong một lĩnh vực cụ thể nào đó song chúng không cần trợ giúp bởi không “đáp ứng” được các tiêu chuẩn chẩn đoán ADHD và do vậy không nên coi chúng là có “vấn đề”. Tương tự như vậy, chẩn đoán ADHD dễ bị hiểu là cho phép dùng thuốc đối với trẻ trong khi có thể các cách tiếp cận khác có lợi cho chúng nhiều hơn.
3. Nguyên nhân của rối loạn tăng động/giảm chú ý
Yếu tố di truyền của tăng động giảm chú ý
Dường như yếu tố di truyền có tham gia vào sự phát triển ADHD. Một nghiên cứu sớm trong lĩnh vực này (Goodman & Stevenson 1989) xác định được rằng tỉ lệ cùng bị ADHD ở trẻ sinh đôi cùng trứng là 51% còn ở trẻ sinh đôi khác trứng là 31%. Những nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ cùng mắc ADHD ở sinh đôi cùng trứng dao động trong khoảng từ 58%- 83% còn ở sinh đôi khác trứng là khoảng 31%- 47%, với hệ số di truyền những vấn đề chú ý ước tính vào khoảng 60- 70% (Wender et al. 2001).
Cơ chế sinh học của tăng động giảm chú ý
Những đặc điểm chủ yếu của ADHD chính là sự thể hiện của những vấn đề về quản trị và kiểm soát hành vi. Xung đột không chỉ là do không có khả năng chú ý mà còn là do những vấn đề của chức năng quản lí: mất khả năng quyết định thời điểm hành động và phải quản lí hành động đó như thế nào. Điều này là do những rối loạn chức năng thuỳ trán, khu vực được xem là trung tâm của rối loạn. Chứng cứ ủng hộ cho giả thuyết này đã được Castellanos và cs. (1996) đưa ra khi các tác giả phát hiện thấy thuỳ trán của những trẻ có ADHD nhỏ hơn so với nhóm trẻ “bình thường”.
Dopamin là chất dẫn truyền thần kinh được xem là có tham gia vào ADHD. Các cứ liệu ủng hộ cho nhận định này chủ yếu xuất phát từ những nghiên cứu phát hiện thấy nồng độ dopamine tăng thì các triệu chứng của ADHD giảm. Ngoài ra cũng còn một loạt các hợp chất khác cũng được xem là có vai trò trong ADHD, ví dụ như các dạng khác nhau của amphetamine. Điều này có vẻ như là một nghịch lí bởi amphetamine thực tế làm giảm mức độ hoạt động thể lực song có lẽ nó thực hiện được điều đó thông qua tăng cường hoạt động thuỳ trán và kiểm soát những rối loạn chức năng thừa hành - nền tảng của hành vi.
Một giải thích sinh học khác tập trung vào vai trò của các độc tố trong môi trường. Feingold (1979) cho rằng các chất mầu, chất thơm nhân tạo đều có liên quan đến ADHD. Tuy nhiên trị liệu theo chế độ ăn mà Feingold đưa ra loại bỏ những chất độc đó cũng chỉ có hiệu quả đối với một số trẻ và thấp hơn so với dùng thuốc (Hiel 1998).
Giải thích tâm lí học của tăng động giảm chú ý
Như ở trên đã chỉ ra, ADHD có đặc điểm nổi bật là không chỉ ở tính tăng động mà tính xung động cũng ở mức độ cao. Theo Barkley (1997), trẻ có ADHD làm những gì trẻ khác cũng nghĩ đến làm nhưng thực tế không làm. Đòi hỏi thực hiện hành động đã không bị ức chế. Trẻ đáp ứng ngay lập tức với tình huống. Hạt nhân của ADHD chính là mất khả năng ức chế những đáp ứng không phù hợp với các sự kiện môi trường. Cũng cần phải nói thêm rằng trẻ có ADHD đáp ứng cảm xúc với các sự kiện môi trường cao hơn so với hầu hết các trẻ khác. Chúng nghèo nàn về cảm xúc kiểm soát và kém chịu đựng những cảm xúc âm tính. Cảm xúc của chúng được dẫn dắt bởi thời điểm và đối tượng chú ý của chúng ở thời điểm đó. Do vậy chúng rất kém duy trì được những hành vi hướng mục đích, đặc biệt khi nó lại liên quan đến những cảm xúc âm tính. Chúng cũng rất khó duy trì được quá trình thực hiện bài tập để có thể được thưởng hoặc để hài lòng với bài tập đã được hoàn thành. Đối với chúng, công việc ở trường cũng như một số yêu cầu nào đó là những công việc tẻ nhạt, khó chịu, không giữ được chúng tập trung chú ý và chúng nhanh chóng chuyển chú ý sang những hoạt động khác.
Barkley (1997) cho rằng khi lớn lên, trẻ thường dùng đối thoại bên trong làm phương tiện tự kiểm soát. Ngôn ngữ nội tâm hoá được phát triển vào độ tuổi 3-4 tuổi, đây là thời điểm mà ADHD thường được xác định lần đầu. Điều này cũng không phải là ngẫu nhiên: Barkley cho rằng trẻ có ADHD có những vấn đề về tổ chức ngôn ngữ bên trong và điều này góp phần vào rối loạn tổ chức đáp ứng đối với những sự kiện bên ngoài. Barkley cũng lưu ý rằng trẻ có ADHD có vẻ như là người “thích tán gẫu”, tuy nhiên câu chuyện của chúng lại thường gắn liền với hiện tại hơn là tương lai: những ý nghĩ không dẫn dắt đến lập kế hoạch dự định tương lai. Sự rối loạn tổ chức như vậy đồng nghĩa với việc trẻ có ADHD rất khó khăn khi phải giải quyết những vấn đề trừu tượng. Chúng rất khó giải thích, mô tả sự vật. Một điểm khá lí thú nữa là Barkley (1997) đã đưa ra quan điểm tâm lí học về ADHD nhưng lại dựa trên nền tảng sinh học và có những nguyên nhân do các yếu tố hoá sinh và thần kinh. Ông đã mô tả những người có ADHD là những người “lạc hậu về hoá sinh” theo cách nhìn chiều hướng về hành vi của họ hơn là phạm trù.
Liên hệ:
ThS.Bs Đinh Hữu Uân 0913511475