Bệnh Động Kinh



1.Khái niệm về bệnh động kinh:
- Động kinh là một hội chứng bệnh lý của não, do nhiều nguyên nhân gây nên, với đặc điểm lâm sàng là những cơn rối loạn kịch phát chức năng của não về vận động, cảm giác, giác quan, tâm thần, thần kinh thực vật và ý thức.
- Về cơ chế bệnh sinh: cơn động kinh xảy ra do sự phóng điện đột ngột kịch phát và tăng đồng bộ của các tế bào thần kinh vỏ não.

2. Dịch tễ động kinh.
Theo thống kê của nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ người bị động kinh vào khoảng 0,5 – 0,7% dân số, tức là 500 – 700/100.000 dân. Tỷ lệ mới mắc trung bình hàng năm là 20 – 70 người trong 100.000 dân, các nguyên nhân tử vong  là do trạng thái động kinh, tự tử và tai nạn khi lên cơn.
Tuy nhiên tỷ lệ trên có sự khác nhau ở khu vực các nước, ở mỗi nước và từng vùng khác nhau trong một nước. Theo tài liệu của Liên hội quốc tế chống động kinh thì trong đó có 60 triệu người thuộc các nước đang phát triển.
- Lứa tuổi: đa số động kinh xảy ra ở trẻ em, khoảng 50% số bệnh nhân động kinh dưới 10 tuổi và đến 75% số người động kinh dưới 20 tuổi. Tuổi càng lớn thì tỷ lệ bệnh động kinh càng thấp, nhưng đến tuổi 60 trở lên tỷ lệ động kinh lại tăng lên, tỷ lệ gặp khoảng 10 trong 100.000 người (P. Loiseau 1990).
- Giới: tỷ lệ động kinh ở nam và nữ tương đương nhau.
Khoảng 10% đến 20% bệnh nhân động kinh có yếu tố gia đình (Cha, mẹ bị động kinh).
3. Cơ chế bệnh sinh cơn động kinh.
Cơn động kinh xảy do sự phóng điện kịch phát và tăng đồng bộ của các nơron ở não. Sự tăng kích thích các nơron ở não xảy ra do kết hợp hai yếu tố:
- Ngưỡng co giật thấp (do yếu tố di truyền).
- Những yếu tố bất thường gây động kinh (tổn thương ở não, rối loạn chuyển hoá, nhiễm độc,…).
Để nghiên cứu về cơ chế bệnh sinh cơn động kinh, người ta đã thực nghiệm gây cơn động kinh bằng penicilin (PNC). Người ta áp PNC vào trong một khu vực não, sau một thời gian ngắn xuất hiện cơn động kinh toàn thể do có sự phóng điện kịch phát ở vỏ não, sự phóng điện này được giải thích bằng sự “mắc nối điện” do phản ứng qua các nhánh bên quặt ngược của các nơron qua sự tác dụng vào hệ Na – K – ATPaza của màng tế bào, tạo điều kiện cho sự giải phóng chất trung gian hoá học ở xinap, kìm hãm quá trình ức chế ở vỏ não.
Những nghiên cứu gần đây đã nêu lên hai cơ chế chính gây phóng điện kịch phát như sau:
+ Do sự tăng khử cực của màng các tế bào thần kinh:
Khi các yếu tố bệnh lý tác động lên các nơron thần kinh dẫn đến tăng K ra ngoài tế bào, gây khử cực các tế bào và các nơron phóng điện.
Nghiên cứu về điện sinh lý còn chứng minh rằng ở các khu vực các “nơron động kinh” có sự tăng hoạt động giữa các mạng lưới đuôi gai của tế bào thần kinh và có các xung điện ngược chiều đi từ đuôi gai sang sợi trục về thân các nơron bên cạnh.
Khi bắt đầu nghiên cứu điện – sinh lý thần kinh thực nghiệm đã có quan niệm là một tế bào gồm hai đoạn chức năng hoàn toàn khác nhau – một là tiếp nhận (đuôi gai) và một là hiệu dụng (thân và sợi trục). Chỉ có thân và sợi trục có biểu hiện là có vai trò trong sản sinh và dẫn truyền sự phóng điện tế bào. Nhưng quan niệm này đã có được thay đổi. Từ năm 1961, người ta đã đo được điện thế nơron ở hồi hải mã có những biểu hiện “ sóng điện đuôi gai”. Ilinas (1975) đã xác định rằng trong tiểu não có những điện thế hoạt động đuôi gai dưới điều kiện sinh lý, nó xuất hiện ở những chỗ chia nhánh của đuôi gai của các tế bào Purkinje và được dẫn truyền theo kiểu xuôi và ngược chiều. Các điện thế hoạt động đuôi gai đặc biệt hay thấy trong các cơn, ở đó dẫn tới khử cực hàng loạt một số lớn tế bào, đã làm cơ sở cho nhận xét về vai trò các đuôi gai trong sự sinh cơn động kinh.
Còn có các đặc tính khác để phân biệt các tế bào gây động kinh với tế bào thường như nhiều tác giả thấy rằng điện thế xuất hiện ở sợi trục và đường dẫn truyền vào thân tế bào theo kiểu ngược chiều. Nguồn gốc của sự phóng điện tế bào “lạc vị” đó còn chưa rõ ràng. Một số vấn đế còn đang được tranh cãi, như ảnh hưởng của nồng độ K+ ở ngoài tế bào được tăng cao ở các sợi trục. Người ta công nhận rằng những sóng điện bổ sung lạc vị có vai trò quan trọng trong việc duy trì cơn, những sóng nhọ ngược chiều đó có khả năng gây điện thế vỏ não trực tiếp như tác động của penicilin vào đường dẫn truyền tháp.
+ Do giảm hoạt động của chất GABA: những nghiên cứ gần đây đã xác định cơ chế: ức chế giải phóng chất GABA (gamma-amino-butyric-acide) là cơ chế bệnh sinh chủ yếu gây nên cơn động kinh. GABA có tác dụng lên tế bào bía (cơ quan nhận GABA – A) ở vỏ não, tăng ngưỡng chịu kích thích của các nơron vỏ não, đồng thời kiểm soát tính thấm của tế bào với Cl, Na, K, tăng phân cực màng A sẽ dẫn đến xuất hiện cơn động kinh.
4. Các nguyên nhân gây động kinh.
Có nhiều nguyên nhân động kinh tuỳ theo lứa tuổi:
+ ở trẻ sơ sinh: khoảng 1% trẻ sơ sinh có các cơn co giật và thường là động kinh triệu chứng, các nguyên nhân chính là: ngạt lúc lọt lòng, chấn thương sản khoa, chảy máu trong sọ, hạ đường huyết, hạ canxi huyết, hạ magne huyết, hạ natri huyết, thiếu hụt pyridoxin, ngộ độc nước, nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương hoặc các nhiễm khuẩn và các rối loạn chuyển hoá khác.
+ Trẻ em: sau thời kỳ sơ sinh có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây xuất hiện động kinh khởi phát trong lứa tuổi trẻ em. Các nguyên nhân thường gặp là: động kinh nguyên phát (không rõ nguyên nhân), liệt do tổn thương não (cerebral palsy), nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương(viêm não, viêm màng não), tổn thương cấu trúc trong sọ, bệnh chuyển hoá, ngộ độc(thuốc, chì), bệnh thoái hoá não, bệnh hệ thống (thận, gan, bạch huyết), bệnh di truyền, chấn thương…
+ Người lớn: có rất nhiều nguyên nhân gây khởi phát động kinh ở người lớn lấn sang cả nhóm các nguyên nhân gặp ở trẻ em như: động kinh nguyên phát, chấn thương, tổn thương cấu trúc não (khối u, chảy máu, dị dạng mạch máu), bệnh mạch máu não (chảy máu não, nhồi máu não), nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương, bệnh thoái hoá não, bệnh hệ thống, bệnh bẩm sinh, nhiễm độc (rượu, thuốc tâm thần, lạm dụng thốc), bệnh rối loạn chuyển hoá.
+ Người già: ở người già trên 60 tuổi, động kinh có thể do u não, ung thư di căn các rối loạn tuần hoàn não, xơ cứng mạch máu não, teo não. Đặc biệ cần quan tâm tới thiếu máu não cấp tính: Weber (1987), Loiseau (1988), Dalangre(1989) và cộng sự nhận thấy 13% trường hợp động kinh ở người ngoài 60 tuổi là do thiếu máu não cục bộ.
Sau đây là một số nguyên nhân hay gặp:
+ Động kinh do chấn thương sọ não:
Động kinh xảy ra trong khoảng 1- 5 năm sau khi bệnh nhân bị chấn thương sọ não kín, chiếm đến 30 – 40 % trong chấn thương sọ não mở.
Cơn động kinh thường xuất hiện trong vòng một tháng đến một năm sau chấn thương sọ não. Nếu cơn xảy ra trên 1 năm sau chấn thương sọ não thì gọi là động kinh muộn sau chấn thương sọ não.
Theo thống kê của nhiều tác giả 80 – 90% động kinh xảy ra trong vòng 10 năm. Vì vậy người ta đã nêu lên những tiêu chuẩn để có thể xác nhận cơn động kinh của bệnh nhân là do nguyên nhân chấn thương sọ não như sau:
- Cơn động kinh đầu tiên xảy ra không quá 10 năm sau chấn thương sọ não.
- Trước khi chấn thương sọ não, bệnh nhân không bị động kinh.
- Sau khi bị chấn thương sọ não, bệnh nhân có mất ý thức hoặc có triệu chứng tổn thương thần kinh khu trú.
- Không tìm thấy nguyên nhân gì khác gây động kinh.
+ Động kinh do u não:
Khoảng 50% bệnh nhân bị u não có cơn động kinh, đa số là cơn động kinh cục bộ, u màng não ở thuỳ thái dương, thuỳ trán gây động kinh nhiều hơn cả. Tiền triệu hoặc triệu chứng khởi phát của cơn động kinh giúp cho ta chẩn đoán định khu u não. Ngoài cơn động kinh còn có hội chứng tăng áp lực trong sọ. Hội chứng thần kinh khu trú tuỳ theo vị trí của khối u.
+ Động kinh do bệnh lý mạch máu não:
Hay gặp nhất là do u mạch, thông động – tĩnh mạch trong não, trong chảy máu não và chảy máu màng nhện gặp khoẳng 14 – 15%. Trong huyết khối và trong tắc mạch gặp khoảng 7 – 8%. Việc chẩn đoán xác định những u mạch thông động – tĩnh mạch cần dựa vào chụp mạch máu não.
+ Động kinh do di chứng viêm não và viêm màng não:
Đa số gặp ở trẻ em, trong tiền sử của bệnh nhân có viêm não, viêm nàg não. Ngoài động kinh ra bệnh nhân còn có những di chứng khác: thiểu năng tâm thần, triệu chứng tổn thương các dây thần kinh sọ não, hội chứng bệnh lý bó tháp, ngoại tháp.
+ động kinh do các nang sán lợn ở não, thường kèm theo có nang sán ở cơ, đáy mắt.
5. Lâm sàng một số loại bệnh động kinh.
5.1. Động kinh toàn thể cơn lớn:
Một số trường hợp có triệu chứng xảy ra trước cơn động kinh, nếu những triệu chứng này xảy ra nhanh ngay trước cơn thì gọi là hiện tượng thoảng qua (aura). Biểu hiện của aura rất đa dạng, có thể gọi là aura vận động, aura cảm giác và aura cảm xúc… Ví dụ: trước khi lên cơn động kinh bệnh nhân thấy giật giật nhẹ ở các ngón tay một bên nào đó, nóng ran ở nửa người, cảm thấy một mùi gì khó chịu, thấy mắt nảy đom đóm, thấy ù tai hoặc bệnh nhân cảm thấy bồn chồn lo lắng, hoảng hốt… thường gặp trong động kinh thứ phát do ổ bệnh lý ở vỏ não.
Đa số cơn động kinh xuất hiện đột ngột biểu hiện:
- Bệnh nhân đột ngột mất ý thức, có thể kêu rống lên một tiếng rồi ngã vật xuống bất kỳ chỗ nào.
- Toàn thân chân tay duỗi cứng, hai bàn tay nắm chặt, các cơ hô hấp cũng co cứng, cơ thanh quản khép, bệnh nhân ngừng thở ngắn, vì vậy da niêm mạc tím ngắt do thiếu oxy. Giai đoạn này gọi là giai đoạn co cứng, kéo dài 20 – 30 giây.
- Tiếp theo bệnh nhân co giật các cơ toàn thân, hai tay hai chân co giật nhịp nhanh, lúc đầu nhịp chậm sau thành nhanh dần, cuổi cơn giật thưa rồi ngừng hẳn, các cơ ở mặt cũng co giật, mắt bệnh nhân trợn ngược, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau, sùi bọt mép, đái ra quần. Giai đoạn co giật này kéo dài khoảng 30 – 60 giây.
- Sau khi ngừng co giật, các cơ doãi mềm, bệnh nhân vẫn mất ý thức, thở sâu đồng tử hai bên giãn nhẹ. Giai đoạn này kéo dài khoảng 1 phút. Sau đó bệnh nhân tỉnh lại, gọi hỏi bệnh nhân đáp ứng nhưng có thể lú lẫn trong vòng một vài phút, bệnh nhân thở sâu, người mỏi mệt, đau đầu, khám có thể thấy phản xạ gân xương tăng ở tứ chi, phản xạ Babinski (+) hai bên. Có bệnh nhân sau khi hồi phục ý thức trở lại chuyển sang ngủ sâu.
Thời gian từ khi bắt đầu cơn đến cuối cơn, khi bệnh nhân phục hồi ý thức trở lại, thường trong 2 – 3 phút, ít khi kéo dài quá 5 phút. Sau cơn bệnh nhân không biết cơn xảy ra như thế nào.
Nếu ý thức của bệnh nhân chưa hồi phục trở lại mà đã xuất hiện tiếp theo liên tục các cơn khác thì gọi là trạng thái động kinh (status epilepticus).
5.2. Động kinh toàn thể cơn nhỏ
Cơn vắng ý thức biểu hiện bằng sự gián đoạn ý thức và hành động voíư môi trường xung quanh trong một thời gian ngắn, chỉ khoảng 3 – 5 giây. Ví dụ: Bệnh nhân đang ăn thì ngừng nhai, có khi rơi bắt đũa, đang viết thì ngừng viết, đang nói chuyện thì ngừng lại,v.v…vẻ mặt ngơ ngác trong một vài giây rồi ý thức trở lại và tiếp tục công việc. Có khi người bên cạnh không thấy cơn của bệnh nhân hoặc tưởng là bệnh nhân ngủ gật hoặc không chú ý vào công việc, hầu hết bệnh nhân không biết trước cơn xảy ra, ở một số trường hợp có nhiều cơn bệnh nhân có thể cảm thấy trước khi lên cơn, tự nhiên người choáng váng, hoảng hốt, khó chịu trong người. Cơn xảy ra chủ yếu ở trẻ em.
5.3. Hội chứng West:
Hội chứng West được xếp vào loại động kinh toàn thể thứ phát, do bệnh não không đặc hiệu. Chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 1 tuổi chiếm khoảng 2,8% động kinh trẻ em, nam nhiều hơn nữ.
Hội chứng West được biểu hiện bằng tam chứng:
- Cơn co thắt gấp người.
- Giảm sút sự phát triển tâm thần vận động.
- Điện não ở giữa các cơn có rối loạn nhịp với gai – sóng chậm lan toả.
- Cơn điển hình: thường rất ngắn dưới 1 giây đến 2 – 3 giây, 80% trường hợp sự co thắt gấp người cả hai bên cơ thể và đối xứng. Đơn giản là giật đầu, nếu cháu bé nằm thì đầu nhấc lên khỏi giường, gấp đầu và mình gấp đôi người lại. Các chi thì như sau: thông thường các chi trên bắt chéo kại trước ngực, chi dưới tư thế gấp (quadruple flexion). Nếu co thắt ở tư thế duỗi thì hai chi trên duỗi thẳng và khép bắt chéo.
Về ý thức khó đánh giá nhưng được xác nhận có trạng thái u ám thoáng qua. Sau cơn co thắt thường trẻ có nụ cười tự nhiên và rối loạn thực vật (da xanh, tím tái).
Nếu như lúc khởi phát cơn co thắt thường riệng biệt rời rạc, thường xảy ra vào lúc thức giấc hoặc trong giấc ngủ, nhưng khi bệnh toàn phát thì cơn xảy ra hàng loạt, thông thường 4 – 5 loạt, 3 – 10 cơn trong ngày. Giai đoạn ổn định bệnh, một tiếng động, một sự tiếp xúc bất ngờ là những yếu tố thuận lợi gây cơn.
- Cơn không điển hình: ít gặp hơn nhiều khi bỏ qua gọi là những thể mờ nhạt, chỉ có gật đầu, co thắt rất ngắn, co thắt các chi, co thắt không đối xứng, vẹo đầu, vẹo nửa người.
- Giảm sút tâm thần vận động: đây là triệu chứng thứ hai, yếu tố đặc biệt của hội chứng. Nó khởi đầu bệnh trong 15% trường hợp. Nó bắt đầu bằng sự thay đổi khí sắc. Trong vài ngày trẻ thờ ơ tất cả: ít cưới, không đáp ứng với các kích thích giác quan, người ta ví như điếc hay mù, nét mặt cứng đờ, bất động tuyệt đối. Đôi khi có những cử động định hình. Rất hiếm gặp những phản ứng kích động tấn công. Sau đó bắt đầu sự giảm sút, trẻ không phát triển nữa, không đạt được một cái gì mới. Ngược lại mất những hoạt động có lúc ban đầu của bệnh, không ngồi được, không giữ được thăng bằng đầu, không cười… Mất những tiếp xúc đơn giản nhất và mất trương lực toàn thân.
- Triệu chứng của điện não:
Những rối loạn điện não trong giai đoạn giữa các cơn là triệu chứng thứ ba của hội chứng West, nhưng không phải là đặc hiệu của hội chứng này. Đó là loạn nhịp rộng, mô tả bởi Gibbs năm 1952 hoặc loạn nhịp mạnh (dysrythmie majeur) mô tả bởi Gastaut năm 1953.
Đây là một hiện tượng cố định, bắt gặp bất kỳ lúc nào trong cả quá trình tiến triển của hội chứng West nếu chúng ta làm EEG nhiều lần.
EEG trong cơn co thắt: hoạt động nhanh điện thế trung bình hoặc hoạt động nhanh nhịp nhàng điện thế cao, không đồng bộ trong từng chặp cơn co thắt sóng kịch phát chậm.
5.4. Động kinh thuỳ thái dương:
Động kinh thuỳ thái dương có thể biểu hiện bằng:
- Cơn vắng ý thức thùy thái dương: khác với cơn động kinh toàn thể vắng ý thức (petit mal), cơn vắng ý thức thuỳ thái dương chủ yếu gặp ở người lớn. Biểu hiện: bệnh nhân đang nói chuyện hay đang làm việc bỗng dưng sắc mặt nhợt nhạt, vẻ mặt ngơ ngác, miệng nhai tóp tép hoặc chép miệng. Có những động tác nhỏ ở tay không theo ý muốn như: gãi đầu, sờ tay lên mặt, xoa tay… trong cơn bệnh nhân không biết gì, cơn kéo dài trong khoảng 50 – 60 giây rồi bệnh nhân tỉnh lại và tiếp tục nói chuyện hoặc tiếp tục công việc.
- Cơn tâm thần giác quan biểu hiện: bệnh nhân có mừng vui hoặc sợ hãi vô cớ, bỗng chốc bệnh nhân cảm thấy mọi người và đồ vật quanh mình trở nên xa lạ như chưa bao giờ trông thấy. Có trường hợp lại có biểu hiện ngược lại, những gì xa lạ trở nên thân thuộc, dù chưac thấy bao giờ bệnh nhân cũng cảm thấy như mình đã thấy, chưa nghe bao giờ nhưng cho rằng mình đã nghe chuyện đó rồi. Hay gặp aura thính giác hoặc khứu giác, vị giác.
- Hiện tượng tâm thần vận động: biểu hiện bằng những hành động không có ý thức, trong khi bệnh nhân thức tỉnh hoặc ngủ. Những vận động có thể đơn giản như đã nêu ở trên: chép miệng, nhai tóp tép, gãi đầu… có thể phức tạp hơn như: bệnh nhân gấp chăn màn, quần áo, đi giày dép, sắp xếp đồ dùng, dụng cụ… trong khi làm như thế bệnh nhân gần như tách rời với môi trường xung quanh, mọi hành động đều vô thức, hết cơn bệnh nhân không nhớ gì về hành động của mình cả.
Khi có những hành động không có ý thức của bệnh nhân gây nguy hiểm cho bệnh nhân hoặc người xung quanh, như đột ngột bệnh nhân vùng chạy thẳng về phía trước, bất kể phía trước có trở ngại nguy hiểm gì. Bệnh nhân có thể hành động tấn công tàn nhẫn bất cứ người nào khi bệnh nhân lên cơn đâm , chém, bắn, đánh đập… Ngược lại có khi bệnh nhân chạy trốn những áo giác đe doạ bản thân mình. Cơn thường kéo dài vài phút, có khi lâu hơn, sau cơn bệnh nhân hoàn toàn không biết mình đã có những hành động gì.
Người ta chia ra động kinh thuỳ thái dương trung tâm và động kinh thuỳ tháy dương vùng vỏ não.
5.5. Động kinh cụ bộ vận động Bravais Jackson – BJ:
Biểu hiện lâm sàng bằng cơn co giật nửa người không mất ý thức, khởi phát có thể là co giật ở bàn tay, bàn chân hoặc cả ở mặt sau đó lan ra nửa người: đầu và mắt giật quay về phía chân tay co giật, đối diện với bên có ổ bệnh lý. Cơn kéo dài khoảng 2 – 3 phút cũng có khi chuyển thành cơn co giật toàn thân và mất ý thức (cơn lớn).
5.6. Động kinh thuỳ trán:
Nhiều cơn động kinh thuỳ trán có các biểu hiện rất kỳ lạ và thường được chẩn đoán nhầm là cơn tâm thần, thậm chí cả sau khi theo dõi bằng điện não đồ vi tính. Có 4 loại cơn: cơn vắng giống như cơn cục bộ phức tạp, cơn tăng động, cơn trương lực cục bộ và cơn vận động phức tạp.
Các cơn xuất phát từ vỏ não thuỳ trán sau vùng vận động cảm giác phối hợp có đặc điểm là cơn trương lực tư thế ở một hoặc cả hai bên, cơn xung động ngôn ngữ có thể xảy ra. Thời gian của cơn thường ngắn (thường 20 – 30 giây), ý thức và trí nhớ vẫn còn nguyên vẹn.
- Cơn vận động phức tạp ở thuỳ trán hoặc cơn tăng động có đặc điểm là các vận động có biên độ lớn, phức tạp và xảy ra sớm và ngắn (20 – 30 giây) và thường xảy ra khi ngủ. Hầu hết nguồn gốc xuất hiện các cơn này là từ thuỳ trán giữa và trán bên.
- Cơn vắng ý thức ở thuý trán giống như cơn cụ bộ phức tạp biểu hiện về lời nói và ức chế hành vi, kéo dài 10 – 30 giây. Giai đoạn sau cơn có thể lâu hơn cơn vắng điển hình. Tính chất đồng bộ cả hai bên thứ phát trên điện não đồ thường gặp. Các cơn này thường có nguồn gốc ở nửa trước của thuỳ trán giữa.
- Các cơn co giật cục bộ thường có tổn thương vỏ não vận động nguyên phát, tuỳ thuộc vào vị trí tổn thương cơn co giật có thể khu trú chỉ ở mặt bên đối diện, ưu thế ở ngọn chi trên hoặc bất kỳ phần nào của chi dưới. Theo hành trình của Jackson và hiện tượng liệt “Todd” sau cơn có thể xảy ra.
Có thể có các dấu hiệu khác như ngừng nói, quay mắt về một phía.
5.7. Các cơn thuỳ đỉnh:
Các cơn đặc hiệu tổn thương vỏ não cảm giác nguyên phát là hiện tượng cảm giác từng phần đơn giản (ví dụ như tăng cảm giác hoặc đau) ở mặt, tay có hoặc không có hành trình Jackson. Các cơn này thường là cơn cụ bộ có hoặc không có toàn bộ hoá thứ phát. Các biểu hiện khác như ảo giác, vận động xoay tròn và rối loạn ngôn ngữ.
5.8. Động kinh thuỳ chẩm:
Các cơn thường là cục bộ đơn giản kèm theo có triệu chứng về thị lực. Mù trong cơn và vận động quay mắt về bên đối diện và rung giật nhãn cầu có thể xảy ra. Ngoài ra có thể gặp các cơn động kinh đặc biệt sau:
- Cơn động kinh gian não biểu hiện bằng cơn rối loạn thần kinh thực vật, bệnh nhân hốt hoảng, người mệt lử, tức ngực, khó thở, mặt đỏ bừng hay tái nhợt, vã mồ hôi, tăng huyết áp hoặc giảm, nhịp tim nhanh, run chân tay, đồng tử có thể giãn nhẹ , có thể tiếp theo bằng mất ý thức trong một thời gian ngắn. Cơn thường kéo dài khoảng 20 – 30 phút, có thể kéo dài khoảng một vài giờ. Cuối cùng bệnh nhân mệt lử, thường đi tiểu nhiều, những hôm sau còn mết mỏi, đau đầu mất ngủ.
- Cơn đột quỵ động kinh biểu hiện: bệnh nhân mất ý thức đột ngột , ngã vật xuống, bất động, đồng tử hai bên giãn, không co giật, cơn kéo dài 1 – 2 phút.
- Cơn đau bụng: biểu hiện bằng cơn đau bụng đột ngột, dữ dội, không tìm thấy nguyên nhân ở đường tiêu hoá, tiết niệu… ghi điện não thấy sóng động kinh.
- Cơn động kinh thể lưới: bệnh nhân biểu hiện mất ý thức trong thời gian ngắn, đầu cổ quay về một bên, co cứng chân tay bên đối diện.
- Cơn động kinh ngoại tháp: biểu hiện bằng cơn co cứng các cơ, tay co gấp, chân duỗi cứng, (kiểu co cứng mất vỏ não).
- Cơn co cứng cục bộ: biểu hiện bằng cơn co cứng cục bộ như co cứng ở vòng mi, các cơ bàn tay, các cơ chi dưới,… một cách nhanh, mạnh. Các cơ co cứng trên có thể xảy ra một cách liên tục gọi là động kinh liên tục Kojevnikov.
- Cơn đau đầu: biểu hiện bằng những cơn đau đầu dữ dội, trong thời gian ngắn có kèm theo buồn nôn, chóng mặt,v.v…điện não có sóng động kinh lan toả.
6. Điện não đồ trong bệnh động kinh.
Ghi điện não trực tiếp trên vỏ não người ta xác định người ta xác định được ổ động kinh có điện thế âm cao hơn xung quanh. Người ta xác định được có điện trường xung quanh vỏ não trong cơn động kinh ở khoảng cách vỏ não 1 – 2mm.
Đưa vi điện não vào từng lớp của vỏ não H.Petsche – 1976 nêu nhận xét: vỏ não như “một máy phát điện” độc lập ở từng lớp, xuất hiện từ một điểm khu trú cục bộ ở mỗi lớp của vỏ não sau lan tới các lớp khác.
Điện não ghi qua điện cực áp lên da đầu, ghi trong cơn động kinh có những biểu hiện điển hình.
*Điện não trong động kinh toàn thể:   
Đặc điểm chung là:
- Xuất hiện những loạt kịch phát gai nhọn – sóng chậm biên độ lớn.
- Biểu hiện ở tất cả các vùng của hai bán cầu.
- Đồng pha.
+ Theo dõi điện não ở từng giai đoạn của cơn động kinh cơn lớn (co cứng co giật) ta thấy có biểu hiện:
- ở giai đoạn co cứng: xuất hiện các loạt kịch phát gai nhọn – sóng chậm biên độ lớn.
- ở giai đoạn co giật: xuất hiện các gai nhọn sóng chậm hoặc sóng chậm biên độ lớn (250 - 500àV) hoặc đa gai nhọn – sóng chậm, loạt kịch phát kéo dài 20 – 30 giây.
Ghi điện não giữa các cơn có thể không thấy biểu hiện bệnh lý (khoảng 20%) còn lại thường thấy loạn nhịp điện não xen kẽ sóng chậm (delta, theta) biên độ lớn hoặc xen kẽ gai nhọn, có thể thấy loạt kịch phát như trong cơn.
+ Trong cơn vắng ý thức (cơn nhỏ) ngoài những đặc điểm chung của điện não trong cơn động kinh toàn thể nêu trên, nó có đặc điểm điển hình là xuất hiện đột ngột trong một thời gian ngắn (8 – 10 gy) các loại gai nhọn – sóng chậm tần số 3 chu kỳ/gy.
Nếu động kinh toàn thể thứ phát trên điện não có thể biểu hiện những biến đổi ở một vùng nào đó (ổ tổn thương) những biến đổi điện não rõ hơn, nhất là ghi ở giữa các cơn.
* Điện não trong động kinh cụ bộ:
Đặc điểm chung là có biến đổi điện não khu trú, do các nơron ở xung quanh ổ tổn thương phát điện.
+ Trong động kinh thuỳ thái dương, điện não có đặc điểm sau:
- Trước cơn một vài giây xuất hiện sóng nhanh biên độ thấp.
- Trong cơn xuất hiện sóng delta, theta biên độ lớn ở vùng thái dương 9kéo dài 1 – 2 phút), không có gai nhọn.
- Sau cơn, giữa các cơn còn thấy sóng chậm hình cao nguyên xen kẽ nhịp bình thường, hoặc gai nhọn – sóng chậm 4 – 6 chu kỳ/giây ở vùng thái dương trước.
* Điện não đồ trong trạng thái động kinh:
Ghi trong cơn co cứng – co giật của trạng thái động kinh có sóng động kinh điển hình như đã nêu ở trên, theo dõi tiếp ta thấy xen kẽ từng lúc “im lặng điện não” với những loạt kịch phát gai nhọn, gai nhọn – sóng chậm, sóng chậm biên độ lớn.
7. Chẩn đoán.
7.1. Chẩn đoán xác định:
Chẩn đoán động kinh dựa vào hai cơ sở: lâm sàng và điện não.
+ Về lâm sàng dựa vào định nghĩa và các loại động kinh đã mô tả ở trên. Đặc điểm chung của các loại động kinh là:
- Cơn xuất hiện đột ngột.
- Cơn lặp lại giống nhau, ít nhất đã có hai cơn.
- Các biểu hiện phù hợp với một loại cơn nhất định đã nêu trên.
- Nếu tron cơn có rối loạn ý thức, cắn phải lưỡi, mất định hướng có nhiều khả năng là cơn động kinh.
- Cơn xuất hiện trong đêm thường là cơn động kinh.
+ Điện não: ghi trong cơn có sóng động kinh điển hình, ghi ngoài cơn có thể không có sóng động kinh điển hình; có trường hợp điện não bình thường.
7.2. Chẩn đoán nguyên nhân cơn động kinh:
Để xác định nguyên nhân các cơn động kinh căn cứ vào:
- Lâm sàng.
-  Các xét nghiệm đặc hiệu.
- Chụp CT – Scanner hoặc MRI.
Chỉ chẩn đoán là động kinh vô căn khi:
- Là cơn động kinh toàn thể.
- Không có triệu chứng thần kinh khu trú.
- Các xét nghiệm – kể cả CT – Scanner hoàn toàn bình thường.
Động kinh vô căn hầu hết xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên.
7.3. Chẩn đoán phân biệt:
Cần chẩn đoán phân biệt cơn động kinh với:
+ Ngất (syncopa):
Bệnh nhân mất ý thức ngắn, không có triệu chứng thần kinh, xảy ra do căn nguyên về tim mạch, cụ thể có thể gặp:
- Ngất do rối loạn nhịp tim: nhịp tim đập quá chậm (< 15 lần/phút) hoặc ngừng tim hoàn toàn trong 1 – 2 phút, phân ly nhĩ thất hoàn toàn.
- Ngất do kích thích xoang động mạch cảnh hoặc dây phế vị.
- Ngất do giảm huyết áp tư thế đứng.
- Có thể gặp ngất do: biểu hiện ho + mất ý thức trong 1 – 2 phút.
Cơ chế bệnh sinh: do rối loạn tuần hoàn ở phổi dẫn đến thiếu oxy ở não thường xảy ra ở bệnh nhân viêm phế quản mạn tính.
+ Cơn co giật phân ly: (hysteria).
Trong cơn co giật phân ly bệnh nhân co giật, giẫy đạp lung tung hoặc cố uốn cong người lên, không mất ý thức, cơn thường kéo dài. Có yếu tố chấn thương tâm lý.
- EEG bình thường.
+ Co giật hạ canxi máu (tetanie).
Hay gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Biểu hiện là co cơ cục bộ hoặc toàn bộ, đặc biệt là co cứng các cơ ở bàn tay tạo tư thế bàn tay sản khoa, có dấu hiệu Chvostek và nghiệm pháp gây co thắt cơ ở bàn tay khi garo tay khoảng 10 – 15 phút. Xét nghiệm máu thấy canxi máu giảm.
EEG không có sóng động kinh điển hình.
7.4. Co giật do sốt cao ở trẻ em:
Co giật do sốt cao là bệnh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thường xảy ra từ 3 tháng đến 5 tuổi, liên quan với sốt cao và không có bằng chứng của nhiễm trùng nội sọ hoặc một nguyên nhân được xác định. Các cơn co giật kèm theo sốt xảy ra ở trẻ đã có cơn co giật không do sốt cao có từ trước thì không được gọi là co giật do sốt cao.
Yừu tố di truyền đóng vai trò quan trọng về nguyên nhân của co giật do sốt cao, ở các gia đình có người bị sốt cao co giật thì nguy cơ gây sốt cao co giật ở trẻ tăng từ 2 – 3 lần. Bố hoặc mẹ bị bệnh làm tăng nguy cơ co giật do sốt cao ở các con, nếu cả bố lẫn mẹ bị thì nguy cơ còn cao hơn nhiều.
Biểu hiện lâm sàng: co giật do sốt cao có xu hướng xảy ra sớm trong khi đang bị sốt đột ngột nhiệt độ tăng lên quá cao. Cơn co giật hầu hết là cơn toàn bộ, chỉ 15% là cơn cục bộ. Khoảng 80% là co giật, 14% là cơn trương lực và 6% là cơn mất trương lực.
Các đặc điểm sau đây của co giật do sốt cao có liên quan đến tăng nguy cơ gây động kinh là:
- Cơn kéo dài quá 15 – 30 phút.
- Nhiều cơn trong vòng 24 giờ.
- Cơn co giật cục bộ hoặc có liệt kiểu Todd.
Co giật do sốt cao với bất kỳ đặc điểm nào nêu trên được gọi là co giật do sốt cao phức tạp, còn nếu không có một trong ba đặc điểm nêu trên thì gọi là co giật do sốt cao đơn giản.
Chăm sóc và điều trị: hầu hết cơn co giật cũng hết dần theo thời gian, mà chưa cần xử trí gì. Nếu tiếp tục còn cơn thì cần thông thoáng đường hô hấp, cung cấp oxy và tiêm tĩnh mạch Diazepam với liều 0,3mg/kg. Nếu tiêm đường tĩnh mạch mà khó khăn thì cách tốt nhất là cho bằng đường hậu môn với liều 0,5mg/kg.
Trẻ bị co giật do sốt cao thường không cần thiết phải nằm viện. Tuy nhiên có thể theo dõi tại phòng cấp cứu vài giờ sau đó khám lại, nếu thấy ổn định và nguyên nhân gây sốt đã rõ thì có thể cho về nhà. Nếu thấy một trong các biểu hiện sau đây thì phải vào nằm viện như:
- Nghi ngờ có bệnh nặng đang xảy ra nhe viêm não.
- Co giật do sốt cao phức tạp.
- Tuổi < 18 tháng.
- Chưa được khám xét ban đầu.
- Hoàn cảnh gia đình không đủ điều kiện theo dõi.
8. Chẩn đoán phân biệt các cơn co giật và động kinh.
Không phải tất cả các bệnh nhân có cơn co giật đều được chẩn đoán là động kinh. Động kinh là rối loạn có đặc điểm là từ 2 hoặc nhiều cơn co giật tự phát do tổn thương não. Vì thế có một cơn co giật kiểu động kinh thì chưa được gọi là động kinh.
Cơn co giật kiểu động kinh cũng có thể là phản ứng, đó là các cơn co giật do phản ứng, cơn co giật triệu chứng cấp, cơn co giật do kích thích. Các cơn này xảy ra tại thời điểm của rối loạn hệ thống hoặc có liên quan nhất thời với các cơn đột quỵ não. Các rối loạn hệ thống gây ra các cơn co giật phản ứng như hạ canxi huyết, magie huyết, hạ natri huyết, hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết không có thể xetonic và cai rượu. Các bệnh não nguyên phát gây ra các cơn co giật phản ứng bao gồm viêm màng não, viêm não, chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não cấp. Các cơn co giật này thường giải quyết dứt điểm khi điều trị các nguyên nhân gây ra có hiệu quả.
Không phải tất cả các bệnh nhân có biểu hiện ngất, các vận động bất thường ở chi hoặc các cơn co giật toàn bộ đều là các cơn co giật động kinh. Các cơn ngất thườn hay nhầm với cơn động kinh. Ngất được định nghĩa là mất ý thức đột ngột, tạm thời liên quan với mất trương lực tư thế thường là hồi phục tự phát. Mất ý thức và ngã xuống là những đặc điểm chính, các dấu hiệu kèm theo như tăng trương lực, co giật, quay mắt, động tác tự động, cơn kích động ngôn ngữ và ảo giác thường khó phân biệt với co giật động kinh. Chẩn đoán phân biệt thường dựa trên cơ sở của các đặc điểm đặc biệt thường không kèm theo các hiện tượng như trên. Có hai dấu hiệu như lú lẫn và cắn phải lưỡi là những dấu hiệu quan trọng để phân biệt cơn ngất với cơn động kinh, trong khi đó rối loạn cơ tròn và chấn thương sọ thì thường có cả ở cơn ngất và cơn động kinh. Các xét nghiệm như ghi điện não đồ, nồng độ prolactin sau cơn giật hoặc nồng độ men creatinine kinase cũng đống vai trò trong chẩn đoán, nhưng rất khó để phân biệt.
Các bệnh khác cũng có thể nhầm với cơn co giật động kinh như cơn co giật kiểu tâm thần, rối loạn vận động, loạn nhịp tim, hạ huyết áp tư thế, cơn Migraine, rối loạn giấc ngủ, thiếu máu não thoảng qua, mất thị lực toàn bộ thoáng qua và hội chứng tăng thông khí. Chẩn đoán đôi khi là khó khăn và cần thiết được ghi điện não nhiều lần và/ hoặc theo dõi bằng điện não video.

9. Điều trị bệnh động kinh.
* Nguyên tắc sử dụng thuốc động kinh:
Thuốc dùng từ liều thấp đến liều cao, tăng dần liều lượng đến khi cắt cơn, duy trì liều đó 2 năm hoặc lâu hơn nữa, nếu bệnh nhân không lên cơn nữa mới giảm liều dần rồi ngừng thuốc. Không được cắt thuốc đột ngột vì dễ xảy ra trạng thái động kinh liên tục. Nếu đã tăng liều đến liều lượng tối đa của một thuốc mà vẫn không cắt được cơn thì dùng thay thế bằng thuốc khác. Hạn chế dùng hai hay nhiều thuốc động kinh cùng một lúc. Cần theo dõi tác dụng phụ do thuốc gây ra để khắc phục. Thuốc điều trị động kinh chủ yếu dùng ngoài cơn, khi bệnh nhân lên cơn cần đỡ cho bệnh nhân khỏi ngã gây chấn thương, không giữ chặt tay bệnh nhân vì dễ gãy xương, sai khớp, cần cho vào giữa hai hàm răng bệnh nhân một cuộn băng hoặc khăn mùi xoa để đề phòng cắn lưỡi. Quan sát cơn, sau khi khám bệnh nhân về lâm sàng và chi ghi điện não. Nếu bệnh nhân lên cơn co giật liên tục thì cần dùng thuố tiêm để cắt cơn (cấp cứu trạng thái động kinh).
+ Chỉ định điều trị:
Nói chung, nếu cơn co giật xảy ra lần đầu tiên thì không cần thiết phải điều trị, trừ khi nguy cơ tái phát cao hoặc khi hỏi bệnh sử phát hiện cơn vắng ý thức hoặc cơn giật cơ mà trước đó không được phát hiện chẩn đoán. Quyết định điều trị là khi có cơn tái phát, tuỳ thuộc vào tần số cơn (không cần thiết điều trị nếu như vài năm bệnh nhân mới xảy ra một cơn), mức độ cơn (ví dụ ảnh hưởng của co giật đến công việc, học tập và chất lượng cuộc sống) và tình trạng bệnh nhân. Các cơn co giật do cai rượu, rối loạn chuyển hoá hoặc do uống thuốc thì không cần thiết phải điều trị với thuốc kháng động kinh lâu dài. Không nên điều trị ngay khi chẩn đoán chưa rõ ràng.
+ Chọn thuốc kháng động kinh:
Việc chọn thuốc kháng động kinh tuỳ thộc vào tính hiệu quả cho từng loại cơn, tác dụng phụ của thuốc, dễ sử dụng và giá cả. Đối với cơn co giật không phân loại được dựa trên bệnh sử thì valproate là thuố được lựa chọn đầu tiên cho các bệnh nhân < 25 tuổi và thuốc carbamazepine là thuốc được lựa chọn cho bệnh nhân > 25 tuổi.
Các tác dụng phụ của thuố không chỉ ảnh hưởng đến sự lựa chọn thuốc của thầy thuốc mà còn bệnh nhân có chấp nhận hay không. Không phải tất cả bệnh nhân dùng thuốc đều có tác dụng phụ và không phải tất cả các tác dụng phụ của thuốc đều xảy ra cho bệnh nhân. Tác dụng phụ cũng liên quan với liều điều trị.
Yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến việc kê đơn là giá cả và khả năng dung nạp thuốc của bệnh nhân. Một số thuốc kháng động kinh có thời gian bán huỷ dài thì có thể cho một liều duy nhất trong ngày.
+ Đơn trị liệu:
Bất kỳ một loại thuốc kháng động kinh nào được lựa chon thì cũng sử dụng đầu tiên là đơn trị liệu và tính an toàn, ít tác dụng phụ hơn và không gây sự tương tác giữa thuốc này và thuốc khác. Mặc dù các thuốc đều có một liều dùng nhất định nhưng tuỳ thuộc vào mỗi bệnh nhân lại cần có liều riêng biệt nhất định. Thuốc được cho với liều khi kiểm soát được cơn co giật nhưng chọn liều thấp nhất mà thuốc có tác dụng là tốt nhất để tránh tác dụng phụ của thuốc.
Cần theo dõi bằng xét nghiệm (máu, chức năng gan, điện giải đồ) trước khi điều trị thuốc, nhằm phát hiện các yếu tố nguy cơ đặc biệt ảnh hưởng đến lựa chọn thuốc và làm cơ sở cho lần theo dõi sau về huyết học, sinh hoá và chức năng gan.
+ Theo dõi nồng độ thuốc trong máu:
Theo dõi nồng độ thuốc trong huyết tương nhằm hai mục đích là đánh giá sự tuân thủ của bệnh nhân khi dùng thuốc và đánh giá sự ngộ độc thuốc. Đối với các bệnh nhân khoẻ hoặc không thấy triệu chứng gì thì theo dõi nồng độ thuốc để đánh giá liều lượng thuốc không cần thiết, trừ khi bệnh nhân không than phiền gì về tác dụng phụ và khi liều phenitoin cần thiết phải tăng lên bởi phenitoin có chuyển hoá ở gan rất khác nhau và khi tăng lều thuốc rất nhỏ có thể nồng độ thuốc trong màu tăng cao (bão hoà động lực học).
Chỉ số về “vùng điều trị” chỉ để hướng dẫn về điều trị, bởi vì trong khi một số bệnh nhân đạt được sự kiểm soát về cơn giật ở mức thấp của “vùng điều trị”, các bệnh nhân khác lại cần kiểm soát cơn ở mức nồng độ cao hơn trên mức “vùng điều trị”. Theo dõi nồng độ thuốc còn đánh giá mức độ tương tác thuốc của thuốc kháng động kinh với các thuốc khác. Carbamazepine, phenitoin và barbiturate là thuốc ức chế men gan. Sự thay đổi liều lượng một thuốc có thể làm thay đổi nồng độ trong huyết tương một số thuốc khác.
+ Đơn trị liệu và đa trị liệu:
Khi sử dụng một loại thuốc kháng động kinh mà thất bại do không có hiệu quả hoặc có phản ứng phụ thì cần phải thay bằng thuốc khác. Trước khi quyết định thay thuốc nên xem xét lại chẩn đoán, liều lượng thuốc dùng và khả năng dung nạp. Nếu dùng liều cao mà không có tác dụng thì nên thay bằng thuốc khác trước khi phải điều trị phối hợp với thuốc kháng động kinh thứ hai. Còn khi phối hợp thuốc mà cơn co giật được kiểm soát thì thuốc kháng động kinh thứ nhất phải giảm liều dần. Nếu cơn co giật lại tái phát thì tốt nhất lại phối hợp thuốc.
+ Ngừng điều trị thuốc: thảo luận vấn đề này là nhu cầu cần thiêt cho người bệnh để làm việc và/hoặc học tập, nghiên cứu. Người ta khuyên rằng nên dùng thuốc kháng động kinh khi người bệnh hết cơn co giật từ 2 – 5 năm.
Tóm lại, có một số nguyên tác cần nắm vững:
- Thầy thuốc điều trị sau khi chẩn đoán sẽ lựa chọn loại thuốc kháng động kinh thích hợp cho tình trạng bệnh lý của bệnh nhân.
- Liều lượng thuốc chỉ định phải căn cứ vào thể bệnh, loại cơn lâm sàng, thể trạng bệnh nhân. Phần lớn chỉ dùng một loại thuốc nhất định với điều kiện đạt được nồng độ điều trị trong máu sao cho đạt được hiệu quả lâm sàng.
- Thuốc điều trị phải được dùng hàng ngày (chia làm 2 – 3 lần), đúng và đủ liều quy định, thường xuyên như cơm bữa: bệnh nhân không được tự ý tăng giảm liều hoặc ngừng điều trị đột ngột.
- Theo dõi diễn biến lâm sàng của bệnh và các biểu hiện thứ phát của thuốc để kịp thời điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp với bệnh trạng của bệnh nhân.
- Không bao giờ nên kết hợp hai thứ thuốc cùng loại với nhau (ví dụ phenobarbital với prinidol, seduxen với mogadon,v.v…).
- Có kế hoặc kiểm tra từng thời kỳ: máu, các chức năng gan, thận của bệnh nhân.
- Tuỳ theo từng trường hợp, ngoài thuốc bệnh nhân phải có chế độ ăn uống, sinh hoạt, lao động, nghỉ ngơi, giải trí thích hợp.
* Một số thuốc điều trị động kinh:
- Phenitoin (sodanton dilantin):  liều trung bình người lớn 300 – 400mg/24 giờ, trẻ em 4 – 7mg/kg trọng lượng cơ thể.
- Primmidin (misolin): liều trung bình 500 – 1500mg/24giờ, trẻ em 10 – 30mg/kg cân nặng.
- Carbamazepin (tegretol): liều trung bình 600 – 1000mg/24 giờ, trẻ em 20 – 30mg/kg cân nặng.
- Ethosuximid (zarontin): liều trung bình 750 – 1500mg/24 giờ, trẻ em 20 – 30mg/kg cân nặng.
- Clonazepam: liều trung bình 1,5 – 10mg/24 giờ, trẻ em 0,01mg/kg cân nặng.
- Axit valproic: liều trung bình cho người lớn< 60mg, trẻ em 20 – 30mg/kg cân nặng.
- Trimethadion (tridione): liều trung bình cho người lớn 20 – 25mg/kg cân nặng.
- Paramethadion (paradione): liều dùng như trimethadion.
+ Trị liệu phẫu thuật
Những bệnh nhân có nhiều cơn co giật trước khi điều trị hoặc bệnh nhân đáp ứng không tốt với điều trị ban đầu  bắng thuốc kháng động kinh thì đều là những loại động kinh khó điều trị. Khả năng đáp ứng với các loại thuốc kháng động kinh giảm dần và thất bại với khoảng 70% khi dùng thuốc thứ nhất và khoảng 40% khi sử dụng thuốc kháng động kinh thứ 2. Khi dùng phối hợp trên hai loại thuốc kháng động kinh mà thất bại thì khả năng kiểm soát được cơn co giật trong thời gian dài là rất thấp. Kiểm soát cơn trong nhóm bệnh nhân này nên dùng thuốc có đời sống ngắn và không kéo dài quá 1 năm. Hơn nữa sự phối hợp thuốc kháng động kinh sẽ làm tăng nguy cơ gây phản ứng thuốc, vì thế đối với các bệnh nhân như vậy, phẫu thuật là cách lựa chọn tốt nhất. Ví dụ: bệnh nhân bị sơ hoá thuỳ thái dương giữa sẽ có kết quả tốt khoảng 2/3 sau khi cắt lọc thuỳ thái dương. Sau mổ tần số cơn co giật có thể giảm 75%. Nguy cơ tái phát cơn là 5% và tỷ lệ tử vong <1%.
Việc kiểm soát cơn co giật hoặc cải thiện khả năng di chứng hoặc cải thịên chất lượng cuộc sống là những vấn đề quan trọng khác cần được xem xét.

Đề tài nghiên cứu về bệnh động kinh cấp quốc gia ( các bạn quan tâm co thể tìm hiểu thêm về bệnh động kinh tại đây)
 Liên hệ 
ThS. Bs Đinh Hữu Uân 0913511475