Cấp cứu tâm thần


Cấp cứu tâm thần được thể hiện bằng những nhận thức và hành vi mà người bệnh tâm thần cần can thiệp y tế với các biện pháp nhanh nhất. Cấp cứu tâm thần đặt ra liên quan đến các biểu hiện lâm sàng tâm thần và cơ thể của bệnh nhân tâm thần. Vấn đề quan trọng bậc nhất trong cấp cứu tâm thần là cần phải loại trừ nguyên nhân thực tổn, tránh được các sai lầm trong chẩn đoán và các biến chứng nặng nề làm tăng khả năng cứu sống người bệnh.
1. Kích động tâm thần vận động.
1.1. Định nghĩa:
Kích động vận động là trạng thái tâm lý - vận động quá mức, xuất hiện đột ngột, không có mục đích rõ ràng, không thích hợp với hoàn cảnh xung quanh và có tính chất phá hoại, nguy hiểm cho bản thân người bệnh và người xung quanh, ảnh hưởng đến trật tự và an toàn xã hội.
1.2. Cách xử trí:
+ Hỏi gia đình và người hộ tống để sơ bộ tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh phát sinh trạng thái kích động.
+ Tìm liệu pháp tâm lý thích hợp làm dịu ngay tình trạng kích động của bệnh nhân như: giải thích, an ủi hoặc cởi trói cho bệnh nhân.
+ Nếu bệnh nhân đồng ý cho khám bệnh cần phải khám ngay toàn thân, các thương tích, dấu hiệu thần kinh khu trú, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc.
+ Nếu bệnh nhân không cho khám bệnh cần phải cố định và tiêm các loại thuốc: haloperidol, seduxen, gacdenan, không nên tiêm aminazin.
+ Đối với rối loạn tâm thần nội sinh như: TTPL, kích động của pha hưng cảm của rối loạn cảm xúc lưỡng cực, nhân cách bệnh đã mạn tính có thể dùng aminazin theo cách sau:
Aminazin 25mg x 3 – 4 ống; haloperidol 5mg x 1 – 2ống; pipolphel 0,05 x 1ống trộn lẫn tiêm bắp thịt sâu và gacdenan 0,2 x 1ống/tiêm bắp thịt. Nếu không hết kích động thì tiêm nhắc lại liều thuốc như trên từ 2 – 3 lần cách nhau 6 – 8giờ.
+ Rối loạn tâm thần nội sinh mới điều trị lần đầu hoặc rối loạn tâm thần ở người cao tuổi đã điều trị nhiều lần thì có thể cho tiêm:
- Haloperidol 5mg x1 – 2ống; pipolphen 0,05 x 1ống trộn lẫn tiêm bắp thịt sâu; gacdenan 0,2 x 1ống/tiêm bắp thịt. Có thể dùng thêm seduxen 10mg x 1ống; dd Glucoza 30% x 10ml trộn lẫn tiêm tĩnh mạh chậm.
- Liều thuốc trên có thể nhắc lại 2 – 3 lần cách nhau 6 – 8 giờ.
- Nếu không có các thuốc trên thì bắt buộc phải tiêm aminazin nhưng cần tiêm liều nhỏ tăng dần và phải cố định tốt không để bệnh nhân đứng dậy đột ngột gây hạ huyết áp tư thế. Cụ thể là:
. Giờ đầu: aminazin 25mg x 1 – 2ống/bắp thịt sâu.
. Nếu chưa hết kích động thì giờ thứ 2 – 3 tiêm tiếp: aminazin 25mg x 2 – 4ống, pipolphen 0,05 x 1ống, dimedron 0,1 x 1 – 2ống trộn lẫn tiêm bắp thịt sâu. . Nếu giờ thứ 6 chưa hết kích động, tiếp tục tiêm liều thuốc như giờ thứ 3.
+ Thời gian dùng thuốc tiêm từ 5 – 7 ngày liền. Song song với tiêm thuốc trấn tĩnh cần phải truyền dịch bù nước, điện giải và giải độc.
+ Khi bệnh nhân tỉnh dậy cần phải động viên cho bệnh nhân ăn uống và thầy thuốc phải có mặt ngay để làm liệu pháp tâm lý hợp lý cho bệnh nhân.
+ Khi bệnh nhân hết trạng thái kích động cho bệnh nhân uống thuốc và theo dõi các tác dụng không mong muốn của thuốc và tìm nguyên nhân cụ thể để điều trị theo nguyên nhân.
+ Các trường hợp đặc biệt cần thiết thì phải làm sốc điện kết hợp.
+ Đối với rối loạn tâm thần thực tổn như: rối loạn tâm thần do nhiễm khuẩn, do chấn thương sọ não, do nội tiết, do mạch máu não, do sốt rét, do nhiễm độc,… việc dùng thuốc hướng tâm thần đặc biệt là thuốc trấn tĩnh phải hết sức thận trọng.
+ Nếu cần chỉ nên dùng các thuốc an tĩnh như: seduxen, valium,… điều chủ yếu phải điều trị nguyên nhân mới có kết quả.
+ Song song với dùng thuốc cần phải truyền dịch để bù nước, điện giải và giải độc cho bệnh nhân.
Chăm sóc hộ lý:
+ Quản lý bệnh nhân ở buồng riêng, khu vực riêng tránh sự ồn ào ảnh hưởng đến bệnh nhân khác, buồng phải thoáng mát, dễ quan sát.
+ Không để bệnh nhân tiếp xúc với các vật dụng nguy hiểm.
+ Theo dõi sát cho đến khi bệnh nhân ngủ yên.
2. Hành vi tự sát.
2.1. Định nghĩa:
Tự sát là một cái chết tự nguyện do chính bản thân con người tự gây ra hay nói một cách khác là một hành động chủ động tự đem lại cái chết cho bản thân.
Hành vi tự sát ở bệnh nhân tâm thần là một trạng thái bệnh lý có tính chất cấp diễn nguy hại đến tính mạng của người bệnh do các bệnh tâm thần gây ra làm cho bệnh nhân giảm sút ý chí, buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, chán nản cuộc sống đến cao độ vì quá đau khổ về bệnh tật và thất vộng về quá khứ.
2.2. Cách sử trí:
+ Tùy từng trường hợp cụ thể mà sử trí cho thích hợp.
+ Nếu trầm cảm nội sinh, trầm cảm paranoid thì cần phải làm số điện là hợp lý nhất và dùng thuốc cắt các hoang tưởng, ảo giác kết hợp với các thuốc chống trầm cảm loại: amitriptylin, maprotylin, athymil, surmontyl,... có tác dụng an thần, nhưng cần phải theo dõi chặt chẽ.
+ Nếu trầm cảm thực tổn, trầm cảm sau đẻ thì cần phải cân nhắc rất thận trọng khi dùng thuốc hướng tâm thần đặc biệt là các thuốc an thần  và nếu cần thiết phải bù nước, điện giải cho hợp lý.
2.3. Dự phòng hành vi tự sát:
+ Phát hiện sớm các trường hợp trầm cảm, trầm cảm paranoid, phát hiện sớm những ảo thanh ra lệnh.
+ Phát hiện sớm những trường hợp có hoang tưởng bị theo dõi, tự tội, hoang tưởng Cotar.
+ Không để các vật dụng trong buồng bệnh có thể gây nguy hại cho bệnh nhân như: gậy, dao, kéo, dao cạo râu, dây vải, dây thừng, ghế, thang, thuốc,…
+ Phải theo dõi bệnh nhân 24/24 giờ trong ngày, nằm ở nơi dễ quan sát, không chùm chăn kín đầu, y tá phải kiểm tra thuốc uống không để bệnh nhân tích thuốc,…
+ Phải tiêm thuốc trấn tĩnh cho bệnh nhân nếu thấy cần thiết.
3. Từ chối ăn uống.
3.1. Định nghĩa:
Từ chối ăn uống là một trạng thái bệnh lý thường gặp ở bệnh nhân tâm thần do nhiều nguyên nhân gây ra làm cho bệnh nhân chết dần, chết mòn trong tình trạng thiếu dinh dưỡng.
3.2. Cách xử trí:
+ Tìm nguyên nhân từ chối ăn uống để điều trị theo bệnh chính.
+ Rối loạn trầm cảm đơn thuần: điều trị bằng các thuốc chống trầm cảm hoặc bằng sốc điện.
+ Trầm cảm paranoid: cần phải cho các thuốc an thần (trừ aminazin) kết hợp với thuốc chống trầm cảm cho hợp lý. Thông thường người ta cho thuốc chống trầm cảm vào buổi sáng và cho thuốc trấn tĩnh vào buổi tối.
+ Căng trương lực bất động tốt nhất là nếu không có chống chỉ định nên điều trị bằng sốc điện.
+ Nếu cần phải cho thuốc sẽ cho thuốc trấn tĩnh loại frenolon 5mg x 5 – 10 – 15 viên/ngày chia 2 – 3 lần hoặc aethaperazin 4mg x 10 – 15 viên/ngày chia 2 – 3 lần.
+ Giải toả ức chế bằng cafein dung dịch 20% x 1 – 2ống/tiêm dưới da sau 30 phút sẽ tiêm amytal natri 1% ( là dẫn chất của barbituric) x 10 – 20ml/tiêm tĩnh mạch chậm hoặc barbamyl 2,5% x 5 – 10ml/tiêm tĩnh mạch chậm hoặc nesdonal 1/4 mg x 1ống/tiêm tĩnh mạch chậm. Sau đó cho bệnh nhân ăn trong trạng thái lâng lâng dở thức dở ngủ.
+ Chăm sóc bệnh nhân: phải ép cho bệnh nhân ăn hoặc ăn qua sonde dạ dày, truyền dịch nuôi dưỡng, vệ sinh thân thể, vệ sinh răng miệng, vận động tại giường và chống loét cho bệnh nhân.
4. Trạng thái sảng rượu cấp tính.
4.1. Định nghĩa:
Sảng rượu là một bệnh loạn thần cấp tính do rượu, xuất hiện ở những người nghiện rượu mạn tính, sau khi ngừng uống rượu. Sảng rượu được coi là một trạng thái cấp cứu tâm thần, biểu hiện bằng hội chứng mê sảng, ảo thị giác thật, hưng phấn vận động, tăng thân nhiệt, rối loạn nước - điện giải và các rối loạn bệnh lý cơ thể nghiêm trọng như: viêm phổi, suy thận, suy gan, suy tim,… nếu không được điều trị kịp thời thì tỷ lệ tử vong không dưới 20%.
4.2. Triệu chứng chính của sảng rượu:
+ Mất ngủ hoàn toàn và kéo dài trong vài ngày hoặc hàng tuần.
+ Hội chứng paranoid rầm rộ, hoang tưởng bị hại và có ảo thị thật thấy các động vật nhỏ như: chim, chuột, rơi, kiến,… cũng có thể có ảo thanh thật nội dung đe doạ, chửi bới,…
+ Rối loạn ý thức: có rối loạn định hướng không gian, thời gian và bản thân thậm chí dẫn đến hôn mê và thường tăng lên về đêm hoặc sáng sớm.
+ Ngoài ra còn các rối loạn thần kinh thực vật như: run, giảm trương lực cơ, tăng phản xạ gân xương, xung huyết da, tăng tiết mồ hôi, tim đập nhanh, huyết áp dao động.
+ Có cơn co giật kiểu động kinh.
+ Có hành vi tự sát.
+ Các bệnh lý cơ thể như: nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm tuỵ, viêm túi mật,…
4.3. Nguyên nhân:
+ Bệnh nhân phải được chẩn đoán là nghiện rượu mạn tính.
+ Vì một lý do nào đó bắt buộc phải ngừng uống rượu (bị các bệnh cơ thể, bị tai nạn, phẫu thuật, bị bắt giam, cai rượu,…).
4.4. Cách xử trí:
+ Cần phải điều trị toàn diện cả những triệu chứng rối loạn tâm thần cũng như các bệnh lý cơ thể.
+ Sử dụng seduxen đường tiêm (tiêm bắp thịt hoặc tiêm tĩnh mạch chậm), liều dùng seduxen 10mg x 2ống/ngày, chia làm 2 lần/sáng và tối, có thể truyền nhỏ giọt tĩnh mạch để duy trì.
Trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng hoang tưởng và ảo giác rầm rộ nên sử dụng thuốc an thần mạnh bằng đường tiêm và thường dùng haloperidol 5mg x 2 – 4ống/ngày, chia làm 2 – 4lần/sáng và tối hoặc sáng, trưa, chiều và tối, cũng có thể truyền nhỏ giọt tĩnh mạch.
+ Chú ý khi tiêm nên trộn lẫn với pipolphen (promethazin) ống 50mg/2ml để tăng tác dụng an dịu và giảm tác dụng phụ của thuốc haloperidol.
+ Phác đồ cụ thể:
Haloperidol 5mg x 2ống.
Seduxen 10mg x 2ống.
Pipolphen 50mg x 2ống.
Trộn lẫn tiêm bắp 2 lần sáng và tối (trong 3 – 5 ngày liền), sau đó khi tình trạng ý thức được cải thiện thì chuyển sang liều thuốc uống (có thể tăng liều tuỳ tình trạng từng bệnh nhân cụ thể). Chú ý không nên dùng seduxen kéo dài.
+ Cần phải bù nước và điện giải cho bệnh nhân kịp thời và hợp lý bằng ringerlactat, glucoza 5% và natriclorua 0,9%, cần sử dụng vitamin nhóm B liều cao và duy trì hoạt động của hệ tim mạch, đề phòng trụy tim mạch.
Chăm sóc hộ lý: hộ lý đặc biệt, chú ý bệnh cơ thể xuất hiện đột ngột như: nhẽo cơ tim, phù phổi cấp, đột tử, tránh bị ngã, phòng kích động, cho ăn giàu chất dinh dưỡng và giàu vitiamin, đặc biệt là vitamin nhóm B.