RỐI LOẠN ÁM ẢNH CƯỠNG BỨC - OCD


 

1.Khái niệm về ám ảnh
Ám ảnh là những ý tưởng, hồi ức, cảm xúc, hành vi không phù hợp với thực tế xuất hiện trong ý thức người bệnh một cách cưỡng bức. Người bệnh biết đó là sai, là vô lý, là không cần thiết muốn tự xua đuổi đi mà không được.
2. Đại cương về rối loạn ám ảnh cưỡng bức - Obsessive-Compulsive Disorder - OCD ( hay còn gọi là rối loạn ám ảnh cưỡng chế )
 



 

 
Hành vi cưỡng bức rửa tay liên tụcHành vi cưỡng bức nhổ tóc gây mất tóc


Rối loạn ám ảnh cưỡng bức (còn có tên gọi khác là rối loạn ám ảnh nghi thức, rối loạn ám ảnh cưỡng chế) là một rối loạn tâm lí mang tính chất mãn tính. Biểu hiện của bệnh là những ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lí do chính đáng và phải thực hiện các hành vi mang tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng, lo âu.
Rối loạn ám ảnh cưỡng bức là một rối loạn tâm thần đặc biệt. Người bệnh thường giữ kín những triệu chứng của mình. Vì thế từ khi bị bệnh cho đến khi đi khám ở bác sĩ tâm thần trung bình là 8 năm. Các số liệu nghiên cứu cho thấy OCD là một bệnh tâm thần rất phổ biến chiếm khoảng 2% dân số, tỷ lệ mắc bệnh của nam và nữ là như nhau nhưng tuổi khởi phát của nam thì sớm hơn của nữ. Ở trẻ em bệnh OCD nam chiếm 70%.

3. Triệu chứng:  trong rối loạn ám ảnh cưỡng bức ( rối loạn ám ảnh cưỡng chế ) có 2 nhóm triệu chứng
3.1 Ý nghĩ ám ảnh
Những ý nghĩ vô nghĩa cứ lặp lại một cách thường xuyên trong tâm trí người bệnh. Thể hiện sự sợ hãi có tính chất hoang tưởng một cách dai dẳng, lo âu thái quá về sạch sẽ hay mọi thứ phải thật hoàn hảo là những biểu hiện hay gặp. Liên tục người bệnh bị các ý nghĩ lo âu quấy rối chẳng hạn như “cái bát này vẫn chưa sạch nó cần phải được rửa lại“, “hình như tôi quên khóa cửa sổ“ hay “tôi chắc chắn là mình đã không dán tem vào phong bì“ và tạo ra sự lo âu cao độ (còn trên thực tế thì bát đã rất sạch, cửa sổ khóa chắc chắn và tem cũng đã dán ở phong bì rồi)
Các ám ảnh phổ biến nhất
• Sợ bị bẩn
• Sợ gây tổn hại tới người khác
• Sợ mắc sai lầm
• Sợ hành vi của mình không được chấp nhận
• Đòi hỏi tính cân đối và sự chính xác cao
• Nghi ngờ quá mức
3.2.Hành vi cưỡng bức ( Hành vi cưỡng chế )
Đa số người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng bức có các hành vi lặp lại gọi là hành vi cưỡng chế  (cưỡng bức) nó có ý nghĩa như sự đáp trả lại những ý nghĩ ám ảnh. Phổ biến nhất là luôn kiểm tra và giặt giũ. Các hành vi cưỡng chế khác như tích trữ, sắp xếp lại và đếm (thường diễn ra khi thực hiện hoạt động bắt buộc khác như sự kiểm tra khóa), kiểm tra hay liệt kê những việc đã làm cũng phổ biến. Những hành vi này nói chung là có mục đích tránh những tổn thất cho người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc những người khác. Một số người mà hành vi cưỡng chế của họ gần như là một nghi lễ, điều đó giúp họ giảm bớt lo âu nhưng điều này chỉ mang tính tạm thời.
Các hành vi cưỡng bức phổ biến:
-Nhổ tóc gây mất tóc
-Nhai liên tục (vì hai hàm răng luôn có cảm giác ngứa), gây mòn răng, lộ tuỷ răng dẫn đến buốt răng, sâu răng và làm người bệnh gặp khó khăn trong giao tiếp.
-Rửa tay nhiều lần trong ngày vì luôn cho rằng tay mình bị bẩn
-Lau chùi và giặt giũ
-Kiểm tra
-Sắp xếp đồ đạc
-Sưu tầm và tích trữ
-Đếm các con số ( ví dụ bệnh nhân cứ đếm đi đếm lại 135.....135.....135......)
4. Bệnh sinh: rối loạn ám ảnh cưỡng bức ( rối loạn ám ảnh cưỡng chế )
4.1. Hệ thống chất dẫn truyền thần kinh. 
4.2. Các chất dẫn truyền thần kinh khác.
4.3. Gen di truyền.
Ở những người sinh đôi cùng trứng nếu một người bị bệnh OCD thì người kia có nguy cơ bị bệnh OCD cao hơn rất nhiều so với người sinh đôi khác trứng. Như vậy, yếu tố di truyền trong bệnh OCD đóng một vai trò quan trọng.
Những người họ hàng mức độ I ( Bố, mẹ, anh,chị,em, con cái) cũng có nguy cơ bị bệnh rất cao so với người không cùng dòng tộc (cao hơn khoảng 4 lần) Tuổi khởi phát cũng liên quan chặt chẽ đến yếu tố gia đình. Nếu bệnh khởi phát sau 18 tuổi hầu như không có người họ hàng nào của bệnh nhân bị bệnh này. Như vậy yếu tố gia đình chỉ liên quan đến bệnh nhân OCD có tuổi khởi phát sớm.
5. Điều trị: rối loạn ám ảnh cưỡng bức ( rối loạn ám ảnh cưỡng  chế )
5.1 Điều trị bằng thuốc. Ngày nay thuốc chống trầm cảm dòng SSRI là thuốc đầu tay để điều trị  OCD. Liều lượng phụ thuộc từng người bệnh và có thể phối hợp thuốc để có hiệu quả điều trị tốt nhất.
5.2. Liệu pháp tâm lí
5.2.1. Liệu pháp hành vi.
Liệu pháp hành vi trong điều trị OCD gồm 2 kĩ thuật:
- Một là bộc lộ ám ảnh để giảm bớt lo âu căng thẳng
- Hai là kĩ thuật ngăn chặn nhằm giảm hành vi cưỡng bức và ý nghĩ ám ảnh
Kĩ thuật bộc lộ để làm giảm bớt các khó chụi của bệnh nhân đối vói các kích thích bên ngoài bằng cách tạo lập thói quen mới. Trong kĩ thuật này, người bệnh được yêu cầu làm các việc nhà, đi thăm các thành viên khác trong gia đình. Bệnh nhân phải đối mặt với các kích thích gây sợ như chất bẩn, chất hoá học mà không được rửa tay hoặc đối mặt với ý nghĩ cân nhắc ( mình đã khoá của chưa...? mà không được kiểm tra lại. Ban đầu các liệu pháp này làm giảm hành vi cưỡng bức của bệnh nhân, dần dần nó sẽ làm mất hoàn toàn hành vi cưỡng bức.
Sự giáo dục và giúp đỡ của các thành viên khác trong gia đình đối với bệnh nhân đóng vai trò quyết định thành công của liệu phát hành vi. Với những bệnh nhân có sự hợp tác với kĩ thuật điều chỉnh hành vi sẽ cho kết quả điều trị tốt nhất.
Ngoài ra liệu pháp hành vi còn có tác dụng làm giảm lo âu. Trong điều trị người ta thường áp dụng cả hai kĩ thuật  bộc lộ và kĩ thuật ngăn chặn để tăng hiệu quả điều trị.
5.2.2 Liệu pháp nhận thức.
Liệu pháp nhận thức nhằm giúp bệnh nhân OCD hình thành lại cách đánh giá về sự nguy hiểm, thảm hoạ, lo âu quá mức, sự liên hệ không hợp lí. Nhìn chung liệu pháp nhận thức cho kết quả điều trị rất hạn chế.  Các thầy thuốc thường kết hợp liệu pháp nhận thức và liệu pháp hoá dược để tăng hiệu quả điều trị.
6. Lời khuyên thầy thuốc. Khi bị rối loạn ám ảnh cưỡng bức cần phải làm gì?
- Ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng bức là triệu chứng của bệnh và có thể điều trị được.
-Ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng bức làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân OCD.
- Điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng bức cần kiên trì bằng liệu pháp hoá dược và liệu pháp hành vi.
- Định kì khám bệnh lại theo ngày hẹn của Bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
-Yêu cầu bệnh nhân liệt kê tất cả những ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng bức
- Bệnh nhân cần thảo luận với thầy thuốc về các biện pháp chống lại hành vi cưỡng bức.  Hãy tự nhủ rằng đó chỉ là những ý nghĩ ám ảnh mà ta có thể không cần phải thực hiện hành vi cưỡng bức đó.
- Không được lạm dụng rượu, thuốc bình thần, ma tuý... để đối phó với lo âu, ám ảnh.