Hội Chứng Self -Harm


Hội Chứng Self -Harm

Hội chứng tự ngược đãi bản thân

 

Em luôn có cảm giác cô đơn, chán nản. Một lần, em bị đứt tay, lúc đó em phát hiện ra rằng cảm giác đau ở tay rất dễ chịu. Thế là mỗi khi có chuyện bực mình hay bế tắc, em lại dùng kéo cắt vào tay”, Phương Loan, quận 10, TP HCM tâm sự.

Phương Loan không phải là trường hợp cá biệt. Có rất nhiều bạn trẻ giống như Loan, họ bị mắc chứng “ngược đãi với bản thân”.

Hội chứng ngược đãi bản thân (Self harm) là một căn bệnh dễ mắc phải đối với những đối tượng bị suy sụp về mặt tinh thần. Người bệnh luôn có khuynh hướng làm chính bản thân mình bị đau. Họ sẵn sàng dùng dao cắt vào tay chân, bứt tóc, đốt da hoặc cào cấu cơ thể, đấm tay vào tường…

Khi chưa hiểu về bệnh này thì chúng ta thể không phát hiện ra những người thân yêu, thậm chí người bạn kề cận mình hàng ngày, đang gặp nguy hiểm. 

Theo tiến sỹ Tim Kendall (Anh), áp lực và căng thẳng là nguyên nhân chủ yếu khiến cho giới trẻ bị mắc bệnh Self harm. Khi phải chịu những nỗi đau về mặt tinh thần, người trẻ sẽ có xu hướng thay thế những nỗi đau đó bằng những nỗi đau về mặt thể chất. Họ xem những cơn đau là cách để thể hiện họ ghét cơ thể họ như thế nào hoặc để trút giận.

Theo ThS.Bs Đinh Hữu Uân -Thành viên Hiệp hội tâm thần Mỹ (APA): Tâm lý và cảm xúc con người có tính chất di chuyển “ Giận cá chém thớt” giới trẻ tự làm đau mình hay tự ngược đãi bản thân để làm dịu đi những nỗi khổ niềm đau trong tâm hồn họ.

Chị của Uyên tình cờ phát hiện em mình tự tát vào mặt, tự nắm tóc và giật mỗi khi ngồi một mình trong phòng. Sau một thời gian theo dõi, chị mới biết Uyên đang cố gắng quên người yêu cũ đã “chơi gác” cô nàng.

Uyên thực ra chỉ là một trường hợp “nhẹ” và hoàn toàn có thể giải quyết được. Nhưng Thiên Thanh (học sinh lớp 11) thì đáng thương hơn nhiều. Thanh vốn ít nói, con nhà giàu, đi học toàn xe hơi đưa rước, học hành thuộc hạng nhất nhì lớp. Được gắn cái mác “kiêu”, Thanh hoàn toàn bị cô lập, bị tẩy chay trong lớp mình. 

Một lần, trong giờ tập thể, Thanh ngã, đầu gối bị chảy máu, một bạn nữ trong lớp dìu Thanh xuống phòng y tế. Cảm giác được chăm sóc khiến Thanh dại người đi. Từ đó, trong lớp thỉnh thoảng thấy Thanh bị đứt tay, chảy máy cam, thương tích đầy mình không hiểu nguyên do… Đến khi lớp biết sự thật, cũng là lúc Thanh phải nhập viện. Chỉ vì muốn được quan tâm, Thanh đã tự hành hạ bản thân mình. 

Ngược đãi bản thân thật sự là một căn bệnh rất nguy hiểm vì chính bản thân người bệnh cũng không biết mình đang mắc bệnh. Họ thường không để cho ai biết tình trạng của mình. 

“Khi một người với nhiều vết cắt, vết đốt trên cơ thể hay tóc của họ ngày một ít đi, rất có thể người đó đã bị mắc bệnh Self harm”, tiến sĩ Kendall cho biết. Thật sự, việc làm cơ thể bị thương không hề là một trả lời đúng cho những bế tắc hay đau khổ. Nó chỉ cho cơ thể một cảm xúc dễ chịu nhất thời nhưng sau đó sẽ là một cảm giác tệ hơn, chưa kể đến việc người bệnh có thể chết như chơi nếu như vết thương quá nặng. 

Hội chứng self harm có liên quan đến bệnh trầm cảm. VTV đã nói nhiều về bệnh trầm cảm, các bạn có thể tham khảo tại đây

Liên hệ trị liệu: ThS.BS Đinh Hữu Uân 0913511475