Rối Loạn Stress sau Sang chấn


 
 
Cách làm giảm stress. Chuyên mục Tư vấn sức khỏe mỗi ngày- VTC1
1. Định nghĩa:
Rối loạn stress sau sang chấn là các rối loạn phát sinh như một đáp ứng trì hoãn sau chấn thương tâm lý có tính đe doạ hoặc thảm hoạ đặc biệt, và có thể gây đau khổ lan tràn cho hầu hết bất cứ ai, xuất hiện từ vài tuần đến vài tháng, tối đa là dưới 6 tháng sau stress. Có thể tiến triển thuận lợi (khỏi bệnh) hoặc dao động (tái phát tăng hoặc giảm bệnh). Một số ít có thể kéo dài và để lại biến đổi nhân cách.
Trong các yếu tố phù hợp đáng chú ý là đặc điểm nhân cách, có vai trò lớn trong phát sinh và tiến triển của bệnh.
2. Lâm sàng: Rối loạn stress
Các triệu chứng lâm sàng của rối loạn stress phát triển có liên quan với yếu tố chấn thương tâm lý quá mạnh, tác động trực tiếp với người bệnh như:
+ Đe doạ đến tính mạng hoặc gây thương tích cho người bệnh.
+ Chứng kiến các sự kiện chết chóc và vết thương đe doạ tính mạng người khác.
+ Bạo lực gây chết người và tổn hại nghiêm trọng.
+ Đối với trẻ em, các sự kiện gây sợ hãi mãnh liệt, mất sự giúp đỡ, bị lạm dụng tình dục.
+ Các triệu chứng của rối loạn stress đa dạng tuỳ từng người bệnh có các biểu hiện khác nhau, gồm các triệu chứng:
“ Mảng hồi tưởng” là nhớ lại miễn cưỡng hoàn cảnh sang chấn lặp đi lặp lại, các giấc mơ thức hoặc giấc mơ ngủ, sống lại cơn ác mộng trên nền tảng “tê cóng” và sự cùn mòn cảm xúc, xa lánh mọi người, mất thích thú, né tránh hoàn cảnh gợi lại chấn thương, không đáp ứng với môi trường xung quanh, Đây là triệu chứng điển hình của rối loạn stress sau sang chấn.
Tư duy chậm hoặc ứ đọng, tập trung vào tình huống gây sang chấn, đôi khi xuất hiện ý tưởng tự tội, bị hại hoặc ý tưởng tự sát.
Có thể có những cơn hoảng sợ hoặc tấn công do đột ngột nhớ lại hoặc diễn tả lại hoàn cảnh sang chấn.
Cảm xúc đa cảm, mất hứng thú, có thể có các triệu chứng trầm cảm và lo âu kết hợp.
Mất cân bằng thần kinh thực vật như tăng cảm giác hay giật mình, mất ngủ.
Dễ xa vào nghiện rượu hoặc chất ma tuý.
+ Các triệu chứng sẽ bình phục dần, một số trường hợp tiến triển mạn tính qua nhiều năm và làm biến đổi nhân cách.
3. Chẩn đoán:  Rối loạn stress
Dựa vào các đặc điểm chính sau:
+ Có yếu tố stress trong khoảng thời gian 6 tháng.
+ Có triệu chứng điển hình  “mảnh hồi tưởng” về stress
+ Cảm xúc thờ ơ rõ rệt, tê liệt cảm xúc và né tránh các kích thích có thể khuấy động hổi tưởng sang chấn.
+ Các rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn hành vi, rối loạn khí sắc…đều góp phần vào chuẩn đoán nhưng không phải quan trọng nhất.
4. Điều trị: Rối loạn stress
Liệu pháp tâm lý là rất quan trọng:
+ Cô lập sang chấn.
+ Ngăn chặn cơn.
+ Tâm lý liệu pháp.
+ Chấp nhận các sự kiện.
+ Tái tạo niềm tin cho người bệnh.
Có thể dùng thuốc chống lo âu và điều trị rối loạn giấc ngủ (chỉ điều trị ngắn ngày) như: diazepam, nitrazepam, clonazepam… Ngoài ra có thể dùng thêm các thuốc tăng cường thể trạng, nâng cao sức đề kháng. Trong một số trường hợp có thể kết hợp các thuốc chống trầm cảm.


ThS.Bs. Đinh Hữu Uân 0913.511.475